Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

NVA39 - LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRƯỚC SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA GIÁ XĂNG DẦU TRONG NƯỚC

 

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan. Giao cho Bộ công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP), theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Nhằm giảm sức ép tăng giá xăng dầu thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn từ ngày1/4; liên bộ Công Thương-Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu (từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) đồng thời điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới Giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn từ ngày1/4. Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng cho các phương tiện giao thông như xe ôtô con và xe máy. Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe ôtô con, xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Và sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít giá xăng dầu bán lẻ trong nước được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 28.330 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 29.192 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.633 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 22.245 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.423 đồng/kg.

Tuy nhiên, lợi dụng giá xăng dầu tăng, các đối tượng tán phát nhiều bài viết. Điển hình: Ngày 11/02/2022, trên trang facebook cá nhân, đối tượng Phạm Minh Vũ tán phát bài “Chính phủ Việt Nam hãy thôi ăn cướp”; ngày 13/02/2022, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Nguyễn Tiến Tường tán phát bài “Vì sao giá xăng tăng?”; ngày 15/02/2022, trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Khánh Hòa tán phát bài “Vì sao cần bãi bỏ việc thu phí bình ổn giá xăng dầu?”... nội dung vu cáo Chính phủ “cướp một cách trắng trợn thông qua thuế và phí để đẩy giá xăng dầu lên cao”; bôi nhọ, nói xấu nên kinh tế thị trường định. hướng xã hội chủ nghĩa; đưa ra yêu cầu “minh bạch thuế, phí do người dân đóng” và “bỏ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và quỹ bình ổn giá”.

Đối với các luận điệu xuyên tạc trên của các đối tượng, lực lượng phản động chống phá, ta phải tuyên truyền đến người dân về các nguyên nhân dẫn đến việc các bộ ngành điều chỉnh giá xăng dầu, vấn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan từ nhiều phương diện trong nước và quốc tế. Và quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đó là đảm bảo ổn định nhu cầu đời sống của nhân dân.

Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu ta có thể nhìn nhận qua một số nguyên nhân sau: Trên thế giới giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021 -2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.

Không chỉ có riêng Việt Nam, tại châu Âu, từ mấy tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Giữa tháng 10 năm 2021, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Tuy vậy kỷ lục này đã bị phá vỡ và không thể so với giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay. Ngày 8/2/2022 giá dầu diezel đã lên mức kỷ lục. Tại Bỉ, một lít dầu diezel là 1,78 euro, xăng 95 là 1,66 euro. Tại Anh, giá xăng dầu đã tăng đến mức kỷ lục, 1 lít dầu diezel là 151 xu Anh, 1 lít xăng là 147 xu Anh. Giao dịch trong tuần qua từ ngày 21/3/2022 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường ghi nhận sự bế tắc của Mỹ, Anh và các nước tiêu thụ dầu lớn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu của Nga. Ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 112,77 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 119,29 USD/thùng.

Trong những diễn biến gần đây đang cho thấy cuộc xung đột Nga – Ukraine đang có dấu hiệu gia tăng, và nhiều khả năng Mỹ và các nước đồng minh sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Đối với Việt Nam, theo Bộ Công Thương, Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô nhưng cũng phải nhập khẩu xăng dầu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Vì vậy, dù nguồn sản xuất trong nước có thể đảm bảo khoảng 70-75% nhu cầu tiêu dùng, song giá trong nước và thế giới như chiếc bình thông nhau, khi thế giới lên thì trong nước cũng phải tăng theo.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.Vì thế, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Ước tính, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Vì vậy giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.

Việc tăng giá nguyên nhiên liệu sẽ tác động không nhỏ tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, chưa kể những bất ổn về chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại tại một số khu vực sẽ khiến chi phí logistics bị đẩy lên, giao nhận hàng hóa vì thế càng khó khăn hơn… Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát…

Mặt khác, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Đặc biệt đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhất là Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy sẽ không có chuyện “Nhà nước ăn cướp” của dân như những luận điệu của các đối tượng phản động đang ngày đêm chia sẻ; chúng đã cố tình bỏ qua các biện pháp mà Nhà nước đưa ra để bình ổn giá như sử dụng công cụ bình ổn giá, giảm thuế môi trường, triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng cho các phương tiện giao thông để giảm giá xăng dầu trong nước, tạo điều kiện hết sức cho người dân trong thời điểm quay lại lao động, sản xuất sau chuỗi ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid - 19; đưa ra các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục đích nhằm chia rẽ sự đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, gây mất lòng tin với nhân dân và tạo ra hình ảnh không tốt đẹp trên trường quốc tế. Chúng ta tôn trọng những ý kiến đóng góp vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước nhưng chúng ta cũng phải tỉnh táo nhận diện những luận điệu xuyên tạc “mập mờ đánh lận con đen”, bóc trần bộ mặt thật của những kẻ đội lốt “yêu nước thương dân” nhưng thực chất là “hại dân”, là chống phá đất nước. Do đó, mỗi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, nhận diện các chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Ngoài phần việc của Nhà nước đã và đang thực hiện, để tránh những cú tăng sốc thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc tiết kiệm nguồn nhiên liệu hữu hạn này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...