Những ngày cuối tháng 3, cơ quan
tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra hai vụ án hình sự liên quan đến những cá
nhân nổi tiếng cả về kinh tế và sự ảnh hưởng trong đời sống xã hội, dư luận đặc
biệt quan tâm.
Cụ thể, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ
Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm
giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập
đoàn FLC.
Trước đó, ngày 24/3, Cơ quan CSĐT
Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331, BLHS, đồng thời khởi tố bị can, lệnh
bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ
phần Đại Nam, về hành vi nêu trên.
Đây là hai cá nhân nổi tiếng trước
hết đến từ sự giàu có và các hoạt động kinh doanh trên thương trường. Với bị
can Trịnh Văn Quyết, ngoài danh tiếng Tập đoàn FLC mà ông với vai trò Chủ tịch
HĐQT thì khối tài sản đồ sộ của cá nhân thuộc top đầu cả nước, trong đó đỉnh
điểm năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí
người giàu nhất Việt Nam và ông Trịnh Văn Quyết vươn lên dẫn đầu (thời điểm đó,
khối tài sản của ông Quyết vào khoảng 34.000 tỉ đồng đến từ 289,6 triệu cổ
phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC
(tương đương 17,9% cổ phần), chưa kể khối tài sản động sản, bất động sản ở các
vùng miền.
Với bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Chủ
tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành CTCP Đại Nam cũng sở hữu khối tài sản
rất lớn và bà từng tiết lộ qua livestream: “Nếu nói về tài sản thì 500, 700
triệu đô đến 1 tỷ đô tôi có... Mỗi lần tôi xuất hiện sẽ có một bộ trang sức khác.
Kim cương của tôi lên đến hàng ký… Tôi đi những chiếc xe 40, 50 chục tỷ, có đến
vài chiếc là chuyện bình thường. Tôi ở bao nhiêu căn nhà mặt tiền, sổ đỏ tôi
cân ký”…
Sau khi hai cá
nhân trên bị khởi tố, bắt tạm giam, trên nhiều trang mạng hải ngoại, các tổ
chức và cá nhân chống phá đã đặt ra những câu hỏi nhằm đánh tráo bản chất,
hướng lái vụ án sang chiều hướng tiêu cực. Thủ đoạn của các đối tượng là:
Thứ nhất, xuyên tạc việc khởi tố,
điều tra các bị can trên là “nhắm vào giới doanh nhân, giới siêu giàu”. Trang
Việt Tân rêu rao “Chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”, từ đó suy diễn: “Nhiều tỷ
phú lần lượt bị bắt giam, một số khác đang được dự đoán sẽ xộ khám trong thời
gian tới. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh khánh kiệt, nhiều
đồn đoán về chiến dịch đánh tư sản tại Việt Nam”!
Nguy hiểm hơn, bài viết bịa ra
chuyện Nhà nước “khánh kiệt” tài sản sau đại dịch COVID-19, nói rằng trong 3
năm tới phải trả 1,2 triệu tỷ nợ công nên “đó là lý do giới nhà giàu lên thớt”!
Từ việc đưa ra những lời lẽ trên, bài viết nhắm vào việc thu hút các bình luận
chỉ trích Đảng, Nhà nước, cho rằng đang có chủ trương “đánh” vào doanh nhân,
tập đoàn, công ty tư nhân để “răn đe” và “cướp vốn”. Đây là kiểu xuyên tạc nguy
hiểm, cố tình đánh tráo bản chất vụ án, hướng lái sang vấn đề chính trị, từ đó
kích động chống phá.
Thứ hai, các đối tượng bịa ra chuyện
“đang có đấu đá quyền lực”, cho rằng những cá nhân bị khởi tố là các quân bài
bị đưa ra mổ xẻ. Trong một bài viết có tên “Những con mồi của Đảng không thể bỏ
qua” đăng trên trang Việt Tân, người viết đã tráo trở biến việc khởi tố các bị
can thành “hai đại gia về bất động sản Nguyễn Phương Hằng và Trịnh Văn Quyết đã
trở thành miếng mồi ngon của những thế lực đang đấu đá với nhau”, từ đó miệt
thị “sống dưới chế độ độc tài cộng sản hiện nay, những đại gia, tài phiệt hoặc
người giàu có tài sản đều là những người nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo
Đảng Cộng sản, cho dù họ làm ăn chân chính cũng không thoát khỏi”! Một số bình
luận cũng cổ suý cho luận điệu này, quy kết việc khởi tố, bắt tạm giam các bị
can là “có ý đồ chính trị” để hướng lái, xuyên tạc vụ án hình sự sang “nghi vấn
đấu đá nội bộ”.
Thứ ba, các đối tượng tiếp tục chỉ
trích tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331, BLHS, từ
đó xuyên tạc rằng việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng là tuỳ
tiện, bóp nghẹt dân chủ. Một số bài viết xâu chuỗi những vụ án trước đây cùng
tội danh này để đưa ra bức tranh xám về tự do, dân chủ ở Việt Nam, cho rằng
Điều 331-BLHS “chỉ nhằm phục vụ đảng”, bỏ tù những ai “đảng không thích”.
Thứ tư, từ việc đưa ra những nghi
vấn thiếu cơ sở để suy diễn, chỉ trích cơ quan tiến hành tố tụng, chỉ trích
Đảng, Nhà nước. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh
bắt tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết về hành vi thao túng thị trường
chứng khoán. Theo cơ quan điều tra, ông Quyết bị khởi tố, bắt giam để làm rõ
những sai phạm liên quan đến việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trước đó.
Cũng liên quan đến vụ bán “chui” cổ phiếu này, ông Quyết đã bị phạt hành chính
1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng bởi quyết định xử phạt vi
phạm hành chính về hành vi “không báo cáo về giao dịch dự kiến” từ Uỷ ban Chứng
khoán Nhà nước (UBCKNN). Về vụ việc này, có người đặt câu hỏi: Vì sao UBCKNN đã
ra quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động
chứng khoán 5 tháng nhưng vẫn bị khởi tố? Từ đó cho rằng, một hành vi vừa xử lý
hành chính lại xử lý hình sự là thể hiện sự “lộng quyền”, hình sự hoá vấn đề
hành chính. Qua đó, suy diễn vụ án là bị đẩy lên hình sự để phục vụ mục đích, ý
đồ khác!
Luận điệu trên có thể khiến những
người thiếu hiểu biết bị các đối tượng đánh lạc hướng, cho rằng đang có khuất
tất phía sau vụ án, cơ quan CSĐT phạm luật. Thực tế, vấn đề này đã được Cơ quan
CSĐT Bộ Công an giải thích rõ. Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ
quan CSĐT Bộ Công an cho biết, tháng 1/2022, ông Quyết bị xử phạt hành chính về
hành vi không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch
theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.
Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra,
cơ quan chức năng phát hiện trong vụ việc bán chui cổ phiếu ngày 10/1/2022, ông
Quyết đã có nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi để tạo cung, cầu giả, đẩy giá cổ
phiếu nhằm thu lời bất chính số tiền từ 500 triệu đồng trở lên. Do đó, Cơ quan
CSĐT Bộ Công an đã khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
“Trong trường hợp cơ quan chức năng
đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm,
phải xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy
định của pháp luật. Theo đó, sau khi bị khởi tố, điều tra thì toàn bộ quyết
định xử phạt hành chính trước đây đều không có hiệu lực” – Thiếu tướng Lê Văn
Tân nêu rõ.
Theo CQĐT, hành vi thao túng thị
trường chứng khoán của ông Quyết tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt
hại lớn cho các nhà đầu tư. Ngoài ông Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam, hiện nay,
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực
để bị can thực hiện hành vi vi phạm. Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan
Công an sẽ xem xét, làm rõ mục đích, vai trò của từng người để xử lý nghiêm
theo quy định của pháp luật. Nếu những người đó thực hiện hành vi dưới danh
nghĩa công ty (pháp nhân) nhằm trục lợi bất chính cho đơn vị thì tùy theo mức
độ thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư và số tiền thu lợi bất chính, pháp nhân này
có thể bị phạt tiền từ 2- 10 tỷ đồng.
Trường hợp người thực hiện hành vi
dưới danh nghĩa cá nhân, tiếp tay làm lũng đoạn thị trường nhằm tư lợi bất
chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị
xử lý hình sự. Ngoài ra, những đối tượng này còn phải bồi thường dân sự cho
những nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Như vậy, không có
chuyện một hành vi “thích thì xử lý hành chính, không thích thì hình sự hoá” và
không phải một hành vi bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự. Lý giải này đã được
Cơ quan CSĐT giải thích rõ nhưng một số đối tượng vẫn tỏ ra “không biết” để tìm
cách bôi nhọ, chỉ trích.
Ở đây, chúng ta cần thấy rằng, hai
vụ án trên dư luận đặc biệt quan tâm vì chủ thể tội phạm là những cá nhân có vị
thế kinh tế giàu có cùng những ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tính
chất đó của chủ thể tội phạm không làm thay đổi bản chất vụ án. Việc khởi tố,
điều tra là căn cứ các yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có các hành vi phạm
vào tội danh quy định trong BLHS, như với ông Quyết là sai phạm về hoạt động
chứng khoán, với bà Hằng là sai phạm về lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm
phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Sai phạm đó đủ yếu tố cấu
thành tội phạm và cơ quan CSĐT khởi tố để điều tra, làm rõ. Không thể viện bất
cứ lý do nào để hướng lái vụ án sang vấn đề chính trị, không thể lấy lý do bị
can là những doanh nhân giàu có để xuyên tạc thành “chiến dịch đánh tư sản”,
“tấn công vào kinh tế tư nhân”. Mọi bị can khi bị khởi tố, điều tra đều căn cứ
vào hành vi, khách thể bị xâm hại, các yếu tố lỗi, không có bất cứ lý do nào để
ngụy biện thành việc phân biệt kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác.
Mọi thành phần kinh tế đều được tạo
điều kiện phát triển, trong đó kinh tế tư nhân đã được Đảng ta xác định “thực
sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ
trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát
triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế
- xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Những thành công đạt được của Tập đoàn
FLC cũng như vai trò cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết có được là nhờ chủ trương
nhất quán đó của Đảng, được tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát
triển. Tuy nhiên, tất cả đều có hành lang pháp lý điều chỉnh, hành vi nào xâm
phạm vào quy định của pháp luật hình sự, gây nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị
điều tra, xử lý theo quy định và việc xử lý không phân biệt chủ thể phạm pháp
thuộc thành phần kinh tế nào, dù là tỷ phú, triệu phú hay ở các tầng lớp khác.
Do đó, không thể bôi nhọ rồi xuyên tạc, đánh lận bản chất vụ án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét