Để tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực của
giá xăng tăng, việc giảm thời gian chu kỳ điều chỉnh giá có thể là một giải
pháp không tồi.
Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Việt
Nam đang tiến đến thời kỳ khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy
tiến trình hồi phục của chúng ta đang chịu ảnh hưởng không ít bởi việc giá xăng dầu trong nước tăng cao. Nguyên nhân giá xăng cao
xuất phát từ hai yếu tố chính: thứ nhất là thế giới đang chịu những bất ổn; thứ
hai là các hoạt động kinh doanh, du lịch được mở cửa trở lại, nhu cầu sử dụng
xăng dầu cũng tăng cao. Chính những điều này đã đặt ra thách thức cho Việt Nam
trên con đường đưa nền kinh tế đất nước bình ổn và phát triển.
Tại Việt Nam, việc tăng giá xăng dầu có
ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực bao gồm dịch vụ
và vận tải. Như hiện tại, giá cả của nhiều loại hàng hóa đã và đang rục rịch
tăng theo giá xăng. Tại các chợ dân sinh, giá rau xanh, hoa quả, thịt cá biến
động nhẹ, do chi phí vận chuyển tăng và đối tượng bị ảnh hưởng nhất là người
lao động có thu nhập thấp.
Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới
tăng sẽ làm giá nguyên vật liệu đầu vào tăng theo, đặc biệt là nó có tác động
rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: giao thông, vận tải,
logistics và du lịch. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các chính sách bình ổn
giá của Chính phủ và cũng tác động lớn lên tỷ lệ lạm phát hiện nay.
Hiện nay nguồn cung dầu cho sản xuất
trong nước ta từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đáp ứng được từ 70-75%, thậm chí có thời gian lên tới 80% nhu
cầu sử dụng trong nước. Nhưng vào thời điểm nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau
Covid-19, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, giá xăng dầu phải
dần theo sát giá thị trường trên thế giới, giá thế giới tăng thì giá trong nước
phải tăng theo. Nếu nước ta cố gắng giữ giá quá thấp sẽ bóp méo thị trường, gây chênh
lệch mặt bằng giá chung so với thế giới.
Cơ chế điều hành xăng dầu của Bộ Công
Thương hiện nay là 10 ngày điều chỉnh giá một lần nên có nhiều bất cập trong
vấn đề điều chỉnh giá sao cho kịp với giá xăng, dầu quốc tế. Việc chúng ta neo
giá quá lâu, đến lúc các quỹ bình ổn giá không cầm cự nổi thì lại tăng giá sốc,
khiến sức ép từ dư luận tăng cao, lại tác động không thuận tới điều hành kinh
tế vĩ mô. Vậy nên phải làm sao để giá ở mức vừa đủ để không quá chênh lệch với
giá dầu thế giới mà lại giữ chỉ số lạm phát ở mức kiểm soát được là vấn đề hàng
đầu lúc này.
Trước tình hình giá xăng, dầu tăng liên
tục, đối tượng phải hứng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là người tiêu dùng trong
và ngoài nước. Chính vì vậy, thách thức đặt ra là phải làm sao giải quyết tình
trạng giá xăng, dầu tăng ngất ngưởng như hiện tại để người tiêu dùng giảm nhẹ
gánh nặng.
Việt Nam trở lại phục hồi nền kinh tế
sau đại dịch, chính những người dân cũng đang trong giai đoạn "chạy
đua" với thời cuộc để khắc phục hậu quả kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc
sống hiện tại. Vật giá leo thang gây khó khăn không nhỏ cho họ, đặc biệt là
những người có thu nhập thấp.
Để tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực của
giá xăng tăng tới nền kinh tế, chúng ta có thể sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu
để định giá sao cho phù hợp. Cùng với đó, cũng cần xem xét giảm thời gian chu
kỳ điều chỉnh giá xăng xuống để thị trường trong nước phản ứng nhanh với thị
trường thế giới, đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét