Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

NVA39 - NHẬN DIỆN QUAN ĐIỂM PHẢN ĐỘNG VỀ CHÍNH SÁCH “BỐN KHÔNG” TRONG SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Trong khi tình hình thế giới và khu vực diễn ra hết sức phức tạp, nhiều thành phần phản động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức chống phá, xuyên tạc đặc biệt vào chính sách “Bốn không” trong sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam chúng cho rằng: Không liên minh với nước này để chống nước kia "là đi ngược lại xu thế của thời đại, là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi". Thực chất đây là thủ đoạn thâm độc nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, làm cho chúng ta dao động và ngả sang một bên nào đấy để chống lại bên kia.

Một là, có phải xu thế thời đại hiện nay là liên minh với nước này để chống nước khác?

Thời đại hiện nay được hiểu là giai đoạn hiện nay của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, là "thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế". Xét về bản chất, toàn cầu hóa là "quá trình tăng lên mạnh mẽ các mối liên hệ, sự ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia, các khu vực trên thế giới". Nhưng có một điều khó hiểu là, tại sao trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế liên minh với nước này để chống nước kia lại là "xu thế"? Toàn cầu hóa từ một xu thế thì trong vài năm gần đây đã trở thành một quá trình hiện thực của sự vận động và phát triển của xã hội loài người. Song hành và đối ngược với quá trình toàn cầu hóa là phong trào chống toàn cầu hóa (nội dung cốt lõi là chống lại mặt trái của toàn cầu hóa). Những người ủng hộ toàn cầu hóa liên kết với nhau và những người chống toàn cầu hóa cũng liên kết với với nhau. Hai nhóm người này đấu tranh với nhau, căn nguyên của cuộc đấu tranh này chính là những bất đồng về lợi ích mà quá trình toàn cầu hóa đem lại cho mỗi nhóm. Trong đó, có nhóm được hưởng lợi và nhóm bị thiệt thòi. Cuộc đấu tranh này chính là nhằm phân chia lại lợi ích của các lực lượng trong quá trình toàn cầu hóa. Trong cuộc đấu tranh đó, tất yếu có sự liên kết tự nhiên của những lực lượng, những nhóm người có cùng lợi ích, chủ yếu ở góc độ kinh tế. Nó không phải là liên minh/kết quân sự giữa các quốc gia với nhau hay giữa quân đội của các quốc gia với nhau. Sự liên kết (tập hợp) lực lượng ở đây, nếu có, chỉ là để chống hoặc ủng hộ toàn cầu hóa chứ không phải là liên minh với nước này để chống nước kia hay ngược lại. Vì trong nội bộ mỗi nước, kể cả các nước nhỏ lẫn siêu cường, cũng đều vấp phải cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng này khi phải quyết định lựa chọn xu hướng phát triển cho đất nước mình. Cuộc đấu tranh này chi phối từ dân thường đến các cấp lãnh đạo của mỗi quốc gia.

Cho nên, nói rằng không liên minh với nước này để chống nước kia "là đi ngược lại xu thế của thời đại" là cách hiểu phiến diện, không đầy đủ, không đúng về bản chất của toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa, không nắm được bản chất, xu hướng và quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới mà ở đó: "Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế". Chính trong bối cảnh ấy mà Việt Nam liên minh quân sự với nước nào, nhất là liên minh với nước lớn, để chống nước khác mới là không thực tế và rất nguy hiểm.

Hai là, có phải không liên minh quân sự "là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi?"

Trước hết, cần phải thống nhất rằng, liên minh quân sự không đồng nhất với quan hệ hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng. Khi tham gia liên minh các nước sẽ nằm trong một khối quân sự chung, với những mục tiêu cụ thể, dùng các biện pháp quân sự để tranh giành lợi ích, xung đột chống đối thủ chung. Các nước trong liên minh sẽ phải đặt dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của một quốc gia, thường là nước lớn và tuân thủ các nguyên tắc của liên minh, cho dù không hoàn toàn phù hợp với mình. Và chính điều này đã tạo ra sự ràng buộc giữa các nước, làm cho mỗi nước không còn độc lập, tự chủ về những vấn đề của đất nước mình.

Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự nhưng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh với tất cả các nước trong khu vực, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển (Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Trung Quốc…); hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người và ma tuý... Hiện nay, Việt Nam đang tham gia vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh nội khối như hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; sử dụng nguồn lực và khả năng quân đội các nước khu vực trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; xác định các biện pháp khả thi cũng như cơ chế tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng ASEAN. Trong khuôn khổ hợp tác, hằng năm, Việt Nam tham gia đầy đủ các hội nghị như: Hội nghị người đứng đầu Quân đội ASEAN (ACDFIM), Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN (ACAMM), Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM) và Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN (AACC), Hội nghị không chính thức những người đứng đầu tình báo quốc phòng các nước ASEAN (AMIIM)...

Hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của Việt Nam đã đóng góp vào giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; góp phần củng cố và duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; góp phần nâng cao vị thế và uy tín của quân đội ta.

Như vậy, trong điều kiện hòa bình hiện nay, "không liên minh quân sự", "không liên kết với nước này để chống nước khác" không phải là "tự trói buộc mình", trái lại, nó có tác dụng "cởi trói" cho chúng ta cả trong tư duy và hành động để ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức không bị "người khác trói mình". Đồng thời, nó cũng không gây ra nguy cơ gì trong chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo đối với Việt Nam như một số người trộm nghĩ, mà ngược lại, còn giúp cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của mình một cách vững chắc hơn. Và dĩ nhiên, một chủ trương đúng đắn và đang phát huy hiệu quả như thế thì hà cớ gì chúng ta phải thay đổi?

Với việc không liên kết với nước này để chống nước kia, Việt Nam luôn thể hiện là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Và đây cũng là thành tựu đóng góp cho "đối ngoại tiếp tục là một điểm sáng trong những thành tựu chung của cả nước", góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta. Mỗi chúng ta cần tỉnh táo trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phải nắm chắc lý luận từ đó có biện pháp đấu tranh ngăn ngừa một cách có hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...