Trong
hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách,
tiêu biểu như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông
Dương, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng 12-1972
không những đập tan âm mưu đưa Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa “trở về thời
kỳ đồ đá” mà từ đây thành phố Rồng bay trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm
giá con người”, và Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam
kéo dài 30 năm đồng thời làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ...
Chính
vì thế, chiến thắng 30-4-1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử
dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt
3 thập kỷ của thế kỷ XX, một dân tộc nhỏ bé - người không đông, đất không rộng,
nghèo nàn và lạc hậu - đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược
hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và
giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội. Đó là điều mà nhân loại những năm
tháng ấy không thể hình dung nổi.
Chiến tranh đã lùi xa gần
nửa thế kỷ. Cỏ đã lên xanh dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Những cánh rừng thông,
keo, cà phê, cao su, hồ tiêu... bạt ngàn đã phủ kín đồi Charly, thung lũng Ia
Drang, Khe Sanh... Nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, cầu cống, đường sá
khang trang, hiện đại đã mọc lên nơi những hố bom năm xưa. Chứng tích chiến
tranh tưởng như đã bị thời gian xóa nhòa, song di chứng của sự tàn khốc, hủy diệt
vẫn để lại trên thân thể cũng như trong ký ức hàng triệu người Việt, hiện diện
tại hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm khắp dọc dài đất nước. Có thể
thấy, để có được ngày vui đại thắng, dân tộc ta đã phải trường kỳ gian khổ,
gánh chịu bao đau thương, mất mát. Hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ngã xuống
trong hai cuộc kháng chiến, hàng triệu người khác để lại xương máu nơi chiến
trường. Bao máu đào đã đổ xuống để Tổ quốc được như ngày hôm nay.
Trong 47 năm qua, bài học tinh thần
của chiến thắng 30-4-1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày
càng được phát huy chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để người Việt Nam
hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của bao vây cấm
vận, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo
đúng di nguyện của Người. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là động lực
giúp chúng ta đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong công
cuộc đổi mới và hội nhập, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ, ổn định an
ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế
Việt Nam trên trường quốc tế...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét