Đất nước ta đã trải qua rất nhiều các cuộc đấu tranh để
giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong đó phải kể đến chiến dịch Tây Nguyên có
ý nghĩa hết sức quan trọng, chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng
tiến công chiến lược trên toàn miền nam để quân và dân ta tiếp tục thực
hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và
nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy mùa xuân 1975 gồm 3 chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà
Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đó, chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến
3/4/1975) - là đòn mở đầu, đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến
tranh. Tây Nguyên lúc đó có diện tích khoảng 60.000 km2, gồm các tỉnh: Kon Tum,
Pleiku, Phú Bổn, Đắk Lắk và một phần tỉnh Quảng Đức; được người Pháp coi là
"mái nhà Đông Dương". Ai làm chủ được địa bàn này sẽ làm chủ được
Đông Dương.
Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư
lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm
sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và bốn trung đoàn bộ binh, một trung đoàn và hai
tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn pháo binh, một trung đoàn tăng - thiết giáp,
ba trung đoàn pháo phòng không. Ngày 4/3, bộ đội ta chính thức nổ súng mở
Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 4 - 9/3, quân ta đánh cắt giao thông trên các
đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt
đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; tiến
công lần lượt đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8/3), Đức Lập (ngày
9/3), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. Thừa thắng, trong 2 ngày 10 và 11/3,
quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đánh thắng trận then chốt thứ nhất
của chiến dịch. Tiếp đó, từ ngày 14 - 18/3, ta đập tan cuộc phản kích của
Sư đoàn 23 trong trận Nông Trại - Chư Cúc, thực hiện thắng lợi trận then
chốt thứ hai.
Bị thất bại và trước sức uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, từ
ngày 15/3, quân địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường số 7 hòng co cụm về
vùng đồng bằng ven biển Khu 5. Không bỏ lỡ thời cơ, bộ đội ta kịp thời truy
kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy trên đường số 7, với các trận
Cheo Reo (từ ngày 17 đến 19/3), Củng Sơn (ngày 24/3), giành thắng lợi trong
trận then chốt thứ ba…Sau đó, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng
duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải
phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, kết thúc chiến dịch vào ngày 3/4/1975.
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét