Có ý kiến cho rằng, thực hiện nguyên tắc tính
đảng là nguyên nhân làm cho công tác tư tưởng trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn;
biến báo chí, văn học, nghệ thuật thành công cụ của nhà tuyên truyền. Thực ra,
đây là một thủ đoạn rất thâm độc, hòng làm cho công tác tư tưởng tự mình buông
vũ khí, mất mục tiêu, phương hướng hành động. Xa rời hoặc từ bỏ nguyên tắc tính
đảng trong công tác tư tưởng là một trong những sai lầm, khuyết điểm lớn nhất
dẫn tới sự tan rã của các đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới.
Tính đảng có nghĩa là khi tiến hành bất kỳ
hoạt động tư tưởng nào, người làm công tác tư tưởng cũng phải đứng trên lập
trường, quan điểm của Đảng, phục vụ và bảo vệ lợi ích của Đảng. Điều đó cũng có
nghĩa, người làm công tác tư tưởng không được nói trái, viết trái đường lối,
quan điểm của Đảng, không được làm bất cứ điều gì tổn hại đến lợi ích của Đảng,
luôn đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần lưu ý rằng, lợi ích của Đảng thống nhất với lợi
ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Cơ sở lý luận của nguyên tắc tính đảng
chính là bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Công tác tư tưởng phải thực hiện nguyên tắc
tính đảng trước hết bởi vì nó là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác tư
tưởng là con đường, cách thức để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức
và tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng theo Đảng làm cách mạng. Ra đời
từ nhu cầu tất yếu của cách mạng, do Đảng lập ra, do Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và
tổ chức thực hiện, vì vậy, không có lý do gì công tác tư tưởng lại không đứng
trên lập trường, quan điểm của Đảng, phục vụ lợi ích của Đảng, đấu tranh với
lập trường tư tưởng đối lập.
Bài học từ thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô
những năm tiến hành công cuộc cải tổ cho thấy, công tác tư tưởng đã xa rời
nguyên tắc tính đảng ngay từ khi xem xét, đánh giá các vụ biểu tình, lộn xộn ở
các nước cộng hòa, từng bước buông vũ khí trước làn sóng xét lại của những phần
tử cực đoan trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài.
Hành động vô nguyên tắc này đã gây ra sự phân tán tư tưởng, hoang mang, nghi
ngờ, thất vọng trong đảng viên và quần chúng, dẫn đến sự tan rã của Đảng Cộng
sản Liên Xô với gần 20 triệu đảng viên và gần 100 năm tồn tại.
Khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông
Âu sụp đổ, Đảng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững nguyên tắc tính Đảng, kịp thời
chấn chỉnh những vi phạm trong lĩnh vực báo chí, văn hóa nghệ thuật, phát ngôn
của cán bộ, đảng viên. Công tác tư tưởng đã kịp thời vạch rõ nguyên nhân sụp đổ
của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhận diện và vạch trần những âm mưu thủ đoạn của
các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Nhờ tuân thủ nguyên tắc tính
đảng, công tác tư tưởng đã góp phần ổn định chính trị - xã hội, khơi nguồn động
lực đổi mới đất nước, góp phần tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc
tế như ngày nay.
Công cuộc chấn hưng đất nước ngày càng giàu
mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc hiện nay là một sự nghiệp vô cùng
to lớn, phức tạp và rất nặng nề đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực chính trị,
tư tưởng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ,
biển đảo; nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống; những vấn đề toàn cầu đang
tác động mạnh mẽ đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Trong bối cảnh ấy,
hơn bao giờ hết, công tác tư tưởng càng phải giữ nghiêm tính đảng để tạo sự
thống nhất về tư tưởng trong Đảng và đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn
kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc với kết hợp sức mạnh thời đại,
kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư
tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch.
Nguyên tắc tính đảng trước hết đòi hỏi công
tác tư tưởng phải xuất phát từ đường lối của Đảng và phục vụ cho việc thực hiện
thắng lợi đường lối đó. Công tác tư tưởng phải lấy việc truyền bá chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng là nội dung
cốt lõi, trọng tâm, chi phối toàn bộ các nội dung tư tưởng khác; đấu tranh khắc
phục các biểu hiện thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường của quần
chúng, coi nhẹ chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng của các phương tiện thông
tin đại chúng.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay,
cùng một sự việc, sự kiện sẽ có rất nhiều luồng tư tưởng khác nhau, thậm chí
đối lập nhau, công tác tư tưởng phải luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm
của Đảng để xem xét đánh giá và thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng dư luận xã
hội thông qua việc truyền bá lập trường, quan điểm của Đảng về các vấn đề đó
một cách kịp thời, đúng đắn và thuyết phục nhất.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đi liền
với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và các hiện
tượng tiêu cực là hai mặt của nguyên tắc tính đảng, đồng thời là thước đo
chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Không chỉ tuyên chiến với các quan điểm
sai trái, thù địch, công tác tư tưởng còn phải đấu tranh không khoan nhượng với
mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, giáo điều; những biểu hiện lệch lạc phát
sinh trong quá trình tiếp thu, vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng; hình
thành và định hướng dư luận xã hội vào việc lên án, bài trừ tệ quan liêu, tham
nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống. Bên cạnh đó, công tác tư tưởng còn phải đấu tranh với những biểu
hiện duy tâm, duy ý chí trong quá trình tiến hành công tác tư tưởng.
Tính đảng còn đòi hỏi công tác tư tưởng phải
luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng thì công tác
tư tưởng mới có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, mới có tổ chức và con người để
triển khai thống nhất trong cả nước, mới có cơ chế để kiểm tra, giám sát, xử lý
kịp thời những biểu hiện vi phạm nguyên tắc, mới có nguồn lực để hoạt động và
phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
Tóm lại, dù kẻ thù có dùng trăm phương ngàn kế
để hạ thấp, bôi nhọ nhưng tính đảng vẫn luôn là một nguyên tắc tối thượng của
công tác tư tưởng. Đảng không cho phép bất cứ tổ chức và cá nhân nào vi phạm
nguyên tắc tính đảng trong khi tiến hành công tác tư tưởng. Tính đảng không chỉ
là lý luận, ở tầm vĩ mô mà phải trở thành ý thức thường trực, là phương châm
hành động của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, cán bộ tư tưởng và mỗi cán bộ, đảng
viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét