Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã khẳng định, nền
tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đến Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng
đó. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và
nhiều văn kiện các kỳ Đại hội Đảng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1).
Sự khẳng định đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua 90 năm dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Từ đó đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện
đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng;
kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xem đây là một
nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta diễn ra trong bối cảnh và yêu cầu
mới, phức tạp và quyết liệt hơn. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX,
sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa
xã hội lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cùng với
những người bất mãn chính trị không ngừng xuyên tạc, công kích nhằm đòi
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây, khi Đảng, Nhà nước
ta chủ động tiến hành đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng và xã hội,
các thế lực thù địch đã sử dụng mọi biện pháp, thủ đoạn để đánh vào nền tảng tư
tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội
chủ nghĩa; xuyên tạc, thậm chí phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đối lập tư
tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng lợi dụng, khoét sâu những
thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như
những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ,
đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong
nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta(2).
Chúng ta bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì đây là một học
thuyết mang bản chất cách mạng và khoa học, là kim chỉ nam cho hành động. Đối
với cách mạng Việt Nam, vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã được khẳng
định qua 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí
Minh viết: “Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tình hình thực
tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác”. Theo
Người: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng
lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những
kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước
ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của
cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể
của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(3).
Nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối cách
mạng đúng đắn, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Cũng chính quá trình này đã giúp Đảng ta tích lũy và đúc rút được
nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng
ta có trách nhiệm giữ gìn và phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình
hình mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự
phát triển bùng nổ của mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề
nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường. Mặt khác, các thế lực thù
địch, phản động luôn có những chiêu thức, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà
nước và những thông tin này thường có tác động nhanh, “lây lan mạnh” đã gây ra
những tác động xấu trong xã hội. Trong khi đó, trong đội ngũ của chúng ta lại
có hiện tượng bàng quan, né tránh, thấy sai không dám đấu tranh.
Do đó, nhiệm vụ của
chúng ta là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các
thế lực thù địch phát tán các thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà
nước và công cuộc đổi mới đất nước. Bởi, phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch không chỉ làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá đó, mà còn gắn chặt với
bảo vệ và phát triển đường lối đổi mới của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét