Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

NVH41 - QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ CHỦ QUYỂN BIỂN, ĐẢO THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII

 

Ngày 29/3/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Biển Đông: Philippines mạnh mẽ, Việt Nam cầm chừng”; trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Gia Minh tán phát bài “Trung Quốc gây hấn với Philippines trên Biên Đông, Việt Nam tuyên bố quan ngại”, gồm các nội dung xuyên tạc quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông; vu cáo chính quyền không có các biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; kích động quần chúng nhân dân phản đối đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thực tế, Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của Biển Đông đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hệ thống quan điểm của Đảng ta về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua các văn kiện của mỗi kỳ Đại hội Đảng. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trên biển hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, là “thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Vùng biển của chúng ta còn là vùng biển “giàu có” với các tài nguyên, khoáng sản quan trọng như dầu khí, than, sắt, titan, muối… và hàng triệu tấn thủy sản. Chúng ta có đường bờ biển dài và đẹp, sinh vật biển phong phú, đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Đối với hoạt động an ninh, quốc phòng, biển nước ta như mặt tiền, cửa ngõ quốc gia; biển làm tăng chiều sâu phòng thủ hướng ra biển, củng cố tuyến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Kiên quyết thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất. Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thứ ba, là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước lớn nào, nhất là tránh việc trở thành con bài trong tay các nước lớn. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Thứ tư, là “duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Với tư cách là  thành viên của Liên Hợp Quốc, của UNCLOS 1982 cũng như tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Theo tinh thần đó, những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết song phương; những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải hết sức công khai, minh bạch giữa các bên có liên quan. Trong khi nỗ lực xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng của ta trên biển với quyết tâm “Việt Nam quyết không để một tấc đất, tấc biển nào bị xâm phạm”; kiên trì tìm kiếm một giải pháp lâu dài, bền chặt và yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ cam kết giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS và 05 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an ninh biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tại các vùng biển không phải là tranh chấp, hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.

Thứ năm, là “kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biện khó khăn, biên giới, hải đảo. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Để kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng của biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo cần phải tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản và môi trường biển, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.

Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp hàng hải, đóng tàu, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng các trung tâm kinh tế ven biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dầu khí, vận tải biển... Phát triển kinh tế các đảo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo; tăng cường đầu tư các nguồn lực và hoạch định cơ chế chính sách trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, bảo vệ môi trường biển.

Thứ sáu, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt. Việc tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển, nhất là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là yêu cầu bức thiết hiện nay, cụ thể như sau:

(i) Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hóa và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo xa bờ. 


(ii) Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển, cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức, biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. 

(iii) Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư đủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên các vùng biển.

(iv) Dân quân tự vệ biển được xây dựng theo phương châm vững mạnh, rộng khắp, ở đâu có tàu, thuyền, ngư dân hoạt động và dân cư sinh sống trên đảo thì ở đó có dân quân tự vệ biển; lấy doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt; tổ chức biên chế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm thành ba tuyến: Ven bờ, lộng, khơi; coi trọng lực lượng hoạt động trên biển.

(v) Kiểm ngư là lực lượng được tổ chức chặt chẽ, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu thuyền nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự và có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện tốt nội dung này, các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng đóng quân ở địa phương ven biển và các đảo cần kết hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan Tuyên giáo xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng báo cáo viên, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân sinh sống ở ven biển, trên đảo, ngư dân làm ăn trên biển, kiều bào ta ở nước ngoài.

Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, công tác tuyên truyền biển đảo bên cạnh yếu tố chủ động cần phát huy đa dạng các loại hình tuyên truyền, các kênh tuyên truyền khác nhau; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền trong nước với đối ngoại và tuyên truyền đặc biệt; kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, âm mưu lợi dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động tuyên truyền các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Tiếp nối truyền thống và trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Mục tiêu mà Đảng ta luôn hướng tới trong giải quyết các tranh chấp trên vùng biển, đảo là duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết các tranh chấp theo đúng đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước dựa trên cơ sở phát huy nội lực và sức mạnh tổng hợp của cả quốc gia./.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...