Trong 2023, chúng ta đã tổ
chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng,
các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp
cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn,
hội nghị đa phương; trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến
thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống
Mỹ Joe Biden... Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo
nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước
ta. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao
với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối
tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện
Cùng với đó, khuôn khổ
quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy
chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực
chất và hiệu quả; vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi
bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc,
tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi
khí hậu lần thứ 28 (COP 28). Lần đầu tiên cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả
động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ... Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh
nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân
thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật
trên trường quốc tế như hiện nay.
Công tác nghiên cứu, tham
mưu và dự báo về đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành ngoại giao cùng
các ngành, các cấp đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ chỉ đạo
xử lý nhiều vấn đề đối ngoại trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, đề
ra phương hướng, giải pháp căn cơ về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng,
hợp tác ASEAN, tiểu vùng sông Mekong, ứng xử trước các sáng kiến liên kết quốc
tế…
Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Kết quả là, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,8%, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam…
Thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 2 thành phố là Đà Lạt và Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027... Chúng ta đã kịp thời bảo hộ hàng trăm ngư dân, đưa về nước an toàn hàng nghìn công dân, nhất là từ các địa bàn có xung đột, thiên tai như Myanmar, Israel... Đồng bào ta ở nước ngoài có địa vị pháp lý được bảo đảm, ngày càng ổn định, hội nhập và phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại và có nhiều hoạt động phong phú, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả to lớn đó
cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt
Nam", dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc
văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân
tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa tư tưởng của thế giới, hoàn toàn phù hợp với
điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo
vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét