Dù ai
đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là lễ hội thiêng
liêng của cả dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập
nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.Theo truyền thuyết thì
Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua
Hùng. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì,
Phú Thọ. Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải
Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều
Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện
đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ
Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước
đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ
ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ
kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng
lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định
lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc
công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến
nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm
tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về
thăm viếng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước
nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh
của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ
ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương
- hướng về cội nguồn dân tộc.
Ngày
02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa
đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc,
hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3
âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn
hóa dân tộc.
Trong
hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn
hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ
tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá
của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được
tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật
mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy
giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền
thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ
Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước
nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc
tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan
trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo,
đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý
truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải
cùng nhau giữ lấy nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét