Thời
gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng, cũng từ đó dư luận xã
hội lại càng quan tâm hơn. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực thành lập càng thể hiện quyết tâm cao, dần khắc phục được tình trạng
“trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự thống nhất chặt chẽ từ Trung ương đến tận cơ sở.
Thực tế cho thấy, mỗi khi có vụ việc tham nhũng đưa ra xét xử thì trên các diễn
đàn xuất hiện nhiều thông tin trái chiều của các thế lực thù địch, nhằm đánh
vào nhận thức không chỉ đối với người dân mà còn vào một bộ phận cán bộ, đảng
viên.
Như chúng ta đã biết tham nhũng là một hiện tượng xã hội, xuất hiện và tồn tại gắn với sự ra đời và tồn tại của nhà nước và quyền lực. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Kiên định thực hiện mục tiêu đó, gần đây nhiều vụ án lớn, nhiều người vi phạm bị khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điển hình như vụ án “Chuyến bay giải cứu”; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty AIC; Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Ngân hàng SCB; Cục Đăng kiểm Việt Nam...
Vậy
mà, lợi dụng vấn đề trên, các phần tử phản động ra sức xuyên tạc, quy kết, phủ
nhận kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Trên trang
“Voatiengviet”, các phần tử cơ hội phát tán bài viết hết sức nhảm nhí có tựa đề
“Đảng vẫn không chịu nhận lỗi”. Chúng xuyên tạc, bịa đặt rằng, “Đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đấu đá nội bộ”; Chúng cố ý kích động,
“Đằng sau các đại án dường như thấp thoáng một tổng đạo diễn…chỉ huy các dây
chuyền tham nhũng”; rồi quy kết một cách trắng trợn rằng, “Án chồng án, Đảng
vẫn không chịu nhận lỗi”. Thực chất, đây là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt,
quy kết vô căn cứ nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của
cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; gây mất đoàn kết, kích
động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo nhận thức lệch lạch
về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Vì
vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác
để không bị mắc mưu của kẻ xấu.
Như
chúng ta đã biết, trong các văn kiện của Đảng đã hình thành hệ thống quan điểm
chỉ đạo xuyên suốt, chính sách thực thi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng
đắn, phù hợp. Đại hội XIII của Đảng xác định: Triển khai đồng bộ có hiệu quả
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; lấy phòng ngừa là chính; kết
hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý
những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực hay bao che, dung túng, tiếp tay
cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực
tế, từ 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 7.390
đảng viên do tham nhũng; trong đó, có hơn 170 cán bộ cấp cao vi phạm bị xử lý.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả
nước đã khởi tố, điều tra trên 7.800 vụ án với hơn 15.200 bị can về tội tham
nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã khởi tố 109
bị can; vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đã khởi tố 613 bị can; vụ án xảy
ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã khởi tố 54 bị can; trong các cơ quan
phòng, chống tham nhũng đã xử lý kỷ luật trên 300 cán bộ, công chức có sai
phạm; khởi tố, điều tra trên 40 vụ án tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra
trong hoạt động tư pháp. Do đó, tham nhũng, tiêu cực từng bước được ngăn chặn,
đẩy lùi, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc
tế ghi nhận, đánh giá cao.
Báo
cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố,
Việt Nam tăng 3 điểm so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và là 1
trong 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Tổ chức
Hợp tác ngân sách quốc tế công bố, năm 2021 chỉ số công khai minh bạch ngân
sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019. Năm 2023, Việt Nam thu hút được hơn
36,6 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài; GDP tăng 5,05%; giá trị thương hiệu
quốc gia đạt 431 tỉ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu mạnh và có tốc độ tăng
trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020 - 2022; Fitch Ratings nâng hạng tín
nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+.
Có
thể khẳng định kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự phát triển của
Việt Nam là không thể xuyên tạc, phủ nhận; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là
nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; kết quả đó là
bằng chứng đanh thép nhất bác bỏ hoàn toàn những quy kết, xuyên tạc của bọn
phản động. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng không ngừng được nâng
lên; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Tin tưởng tuyệt đối
vào sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Việt
Nam cần đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận diện chính xác bộ mặt xấu xa
của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái,
quy kết, xuyên tạc của bọn chúng. Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ
Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống bình yên của nhân dân
ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét