Cứ mỗi khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tiến hành các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao với các nước lớn thì các đối tượng chống phá lại tìm mọi cách để biến tấu, cố tình làm sai lệch bản chất quan điểm ngoại giao của Việt Nam. Chẳng hạn như chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến 01/11/2022; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động đã ra sức xuyên tạc mục đích, ý nghĩa chuyến thăm, chế giễu hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, bôi nhọ quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc. Chúng tuyên truyền rằng “đây là bước đi dứt khoát đẩy Việt Nam gắn chặt quốc gia phương Bắc, Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”; “chính quyền dâng đất, bán biển cho Trung Quốc”… rồi chúng lại dựng lên việc Việt Nam cần phải dựa vào Hoa Kỳ mới thoát khỏi ảnh hưởng nước khác, mới phát triển được đất nước, bảo vệ được lãnh thổ.
Tiếp diễn chiêu trò chống phá này, mới đây nhất Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày
10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội
lại tiếp tục tung ra những luận điệu sai trái, cố tình tạo ra những cái nhìn
méo mó về quan hệ hai nước, xuyên
tạc đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của nước ta.
Trước
chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, tổ chức khủng bố Việt
Tân, trang mạng, blog, website của các tổ chức phản động sống lưu vong, các
trung tâm truyền thông BBC, RFA, VOA… phát tán nhiều bài viết với nội dung xấu
độc để kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép vấn đề dân chủ, nhân quyền với Việt
Nam; cho rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ không phát triển nếu dân chủ, nhân quyền ở
Việt Nam không được cải thiện, nếu còn chế độ cộng sản, “đảng cai trị”.
Sau chuyến thăm, khi
quan hệ Việt – Mỹ được nâng cấp từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược
Toàn diện thì chúng lại bôi nhọ và cho rằng mối quan hệ này “không thực chất”,
có những bài viết, bình luận miệt thị, chỉ “theo chiều hướng tiêu cực”. Các đối
tượng vẽ ra câu chuyện Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác Chiến lược
Toàn diện vì trước những diễn biến phức tạp, tranh chấp trên Biển Đông… Đây là cách các thế lực thù địch, phản động đặt Việt
Nam bên cạnh những cường quốc lớn, từ đó đưa ra quan điểm “khuyên” Việt Nam nên
chọn theo nước này, chống nước kia và ngược lại.
Những lời lẽ đó của các
thế lực thù địch, phản động nhằm mục đích xuyên tạc đường lối đối ngoại của
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trong đó xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam với Hoa
Kỳ, Việt Nam với Trung Quốc và một số nước khác. Từ đó cô lập, hạ thấp vị thế,
uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; chia rẽ tinh thần đoàn kết, hợp tác, hữu
nghị của Việt Nam với các nước.
Cần phải nhắc lại rằng, chính sách ngoại
giao của Việt Nam được khẳng định trong các văn kiện của Đảng cũng như các chủ
trương, đường lối liên quan và được thực hiện nhất quán. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên định đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ
động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc là định
hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phương châm trong đối
ngoại là: “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa
phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là
bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Mục tiêu hoạt động đối ngoại nhằm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân
tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng
có lợi”. Đồng thời, cũng tái khẳng định nguyên tắc “4 không” trong
chính sách quốc phòng: không tham gia liên minh
quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài
đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không
sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Trên thực tế, hoạt động
ngoại giao của nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn:
Đối với Trung Quốc,
thông qua ngoại giao, nước ta và bạn đã bàn và xây dựng thẳng thắn về những vấn
đề còn chưa thống nhất giữa hai nước, nhất trí giải quyết những bất đồng; kiên
trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên
biển; thông qua thương lượng, hòa bình, giải quyết các mâu thuẫn trên cơ sở
luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982,
không làm phức tạp thêm tình hình, không mở rộng thêm tranh chấp. Tăng cường
hợp tác trên biển, thu hẹp bất đồng. Hai nước tiếp tục củng cố và phát triển
quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ vàng và
tinh thần bốn tốt. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất
trong ASEAN từ năm 2016 và là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới
từ năm 2020 của Trung Quốc. Năm 2022, tổng
kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD.
Đối với Hoa Kỳ, hai
nước thiết lập và triển khai mối quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 với nhiều
nỗ lực vun đắp và xây dựng lòng tin, cùng hướng về phía trước, đến nay đã nâng
cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong những năm qua, lòng tin ngày càng
củng cố và tăng cường góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp đà phát triển hiệu
quả, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế, phù hợp nguyện vọng của
nhân dân hai nước. Năm 2022, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và
là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỉ trọng 20% trong tổng trị giá xuất
khẩu của cả nước) và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt
mốc 100 tỷ USD. Kim ngạch thương
mại hai chiều Việt-Mỹ năm 2022 là 123 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối
tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Như vậy, thực tế sự
phát triển mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ là tất yếu
khách quan, xu thế chung của thời đại. Đồng thời, đã chứng minh đường lối,
chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, vì lợi ích của mỗi quốc gia - dân
tộc, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới,
hoàn toàn không có chuyện “theo bên này, chống bên kia” như luận điệu những kẻ
xấu cố tình xuyên tạc, bịa đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét