Nghị
quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hoá" trong nội bộ, đã đưa ra cách nhận diện những biểu hiện suy thoái về
tư tưởng chính trị, trong đó có việc: “Nói
và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo;
nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa
khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” là biểu hiện rõ nét nhất để mỗi cán bộ,
đảng viên tự soi, tự sửa và tích cực học tập theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh về nói đi đôi với làm, để nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay sẽ là những
giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi NQ TW4 khóa XII của Đảng ta.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu
tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh: nói
thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. “Nói thì phải
làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành
động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công
việc. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Nói đi đôi với
làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng
viên, công chức, nêu gương trước nhân dân “một tấm gương sống còn có giá trị
hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo Hồ Chí Minh, về bản chất, “nói đi
đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà
còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống
nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo
đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc
và đầy đủ nói đi đôi với làm. Ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý
luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã
nói. Người thường nói ít nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không
nói mà chỉ làm. Người quan niệm: Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực
thước cho người ta bắt chước; tự mình phải chính trước, mới giúp người khác
chính, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Trong cuộc đời của
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói
đi đôi với làm, tự mình làm trước. Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người
đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: "Tôi
xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn
ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân
nghèo”. Hồ Chí Minh làm những việc như thế để thực hiện điều Người nói: Cơm
chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt
của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn
làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người
nói: Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là
hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau. Cán bộ, đảng viên nếu làm
theo được những việc như trên sẽ thật sự quan liêm - mà quan liêm thì dân hạnh
phúc và sẽ đẩy thuyền đi; và sẽ chẳng có những loại quan tham - mà quan tham
nhiều thì dân khổ, nước nguy.
Hiện nay trong Ðảng và xã hội ta, tình trạng "nói không đi
đôi với làm", "nói mà không làm", "nói một đằng, làm một
nẻo", "nghĩ một đằng, nói một đằng", “nói với cấp trên khác, nói
với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người. Bệnh nói dối,
làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho
nhau, hình thành phe phái, cánh hẩu… đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất
niềm tin trong nhân dân. Thực hiện “nói đi đôi với làm” đối với mỗi cán bộ,
đảng viên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện “nói đi đôi với làm” là phát huy truyền thống đạo đức
quý báu của dân tộc, là thực hành đạo đức cách mạng. Thực hiện nói đi đôi với
làm hiện nay, trước hết phải từ trên xuống dưới, từ người lãnh đạo cấp cao đến
cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở. Phải kiên quyết xóa bỏ các cơ chế quản lý
đã lỗi thời buộc mọi người gần như đồng tình với việc khai man, biến báo. Phải
thực hiện công khai minh bạch, trước hết là chức trách của mỗi người để có sự
kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân. Trong giải pháp để thực hiện “nói
đi đôi với làm”, rất cần sự giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm của
mỗi người, chống chủ nghĩa cá nhân trong chính con người mình.
Nói đi đôi với làm để hướng dẫn nhân dân làm theo, đặc biệt là với
thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn hướng dẫn nhân dân,
mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nói đi đôi với làm phải gắn
với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ trên cơ sở
này, cán bộ, đảng viên mới thu phục được quần chúng, mới cảm hóa, lôi kéo họ
tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn để xây dựng, phát triển đất nước, thực
hiện nghị quyết của Ðảng.
Với lòng tin sâu sắc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, sự đoàn
kết đồng lòng nhất trí của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân
hiện nay, tin tưởng rằng Đảng ta sẽ lãnh đạo thực hiện tốt NQTW4 về tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hoá" trong nội bộ đặc biệt là vấn đề nói
đi đôi với làm sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để nước ta sánh vai cùng các cường
quốc năm châu như lời Người hằng mong đợi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét