Nghị quyết 04/NQ-TW của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
ký ban hành ngày 30/10 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng
thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Theo đó, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái
thuộc 3 nhóm tư tưởng – chính trị, đạo đức – lối sống, và những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Có thể nói, đây là “bộ quy tắc”
làm gương soi cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức; nhìn vào 27 biểu hiện
thuộc 03 nhóm trên ít ai có thể “miễn dịch” 100%.
Nhưng đó cũng là lúc mà tất cả những người đang hưởng
lương từ ngân sách, mang danh phận “công bộc” làm việc trong những trụ sở
nguy nga, lộng lẫy, ngồi trên những chiếc xe tiền tỷ, tiêu xài những đồng tiền
mồ hôi nước mắt của nhân dân, cần đối chiếu lại mình với những gì Nghị quyết đã
nói.
Nghị quyết chỉ rõ:
“Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết
những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người
thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh
đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.
Trong lịch sử hơn 70 năm thành lập nhà nước Việt Nam
dân chủ Cộng hòa, chưa bao giờ chứng kiến cảnh nở rộ nhân sự “cây nhà lá vườn”
như những năm gần đây, nguy hiểm hơn rất nhiều trong số đó là những chức vụ
lãnh đạo thông qua tấm khiên “đúng quy trình” nhưng khi vỡ lẽ thì sai phạm nối
tiếp sai phạm.
Bên cạnh việc “tìm người nhà” thì sự bùng nổ biên chế
làm cho ngân sách trả lương ngày càng khó khăn, mặc dù công tác nghiên cứu đánh
giá và cảnh báo tình trạng thừa biên chế đã được đưa ra từ lâu nhưng tất cả vẫn
“nhắm mắt đưa chân” tuyển dụng ào ạt để bây giờ công tác tinh giản gặp muôn vàn
khó khăn.
Có phê bình thì nể nang, né
tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng
phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán
người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Còn rất nhiều những điều trong Nghị quyết có thể minh
họa bằng ví dụ thực tế là những bất cập, tiêu cực còn đầy rẫy trong hoạt động
của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng tất cả chỉ là bề nổi, có thể khắc
phục với quyết tâm của Đảng và Chính phủ với sự giúp sức từ nhân dân.
Nhưng thiết nghĩ, nguy hiểm nhất vẫn là nhạt phai lý
tưởng, ngày càng “bỏ quyên” chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, vấn đề “chủ nghĩa”, “tư tưởng” được thể hiện
ngay đầu Nghị quyết.
Không gì nguy hiểm hơn khi Đảng
lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng nhưng một
bộ phận không nhỏ đảng viên dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng, nhận thức sai
lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười
học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Việc đọc, hiểu, đi sâu nghiên cứu đã khó, thì làm sao
áp dụng phương pháp luận biện chứng và tư duy lôgic theo tinh thần của Chủ
nghĩa Mác hay là chúng ta đang nhân danh Mác để phá hoại lý luận?
Bác Hồ từng nói “học
tập chủ nghĩa Mác là sống với nhau có lý có tình” toàn bộ ý tứ biện chứng pháp cho nhân
sinh đều thể hiện trong câu nói này.
Vì thiếu tư duy biện chứng nên “siêu hình”, “duy tâm”
thống trị dẫn đến những sai lầm trong công tác quản lý, đó là những biểu hiện
như “thấy cây không thấy rừng”, nóng vội, chủ quan, không nắm vững quy luật vận
động khách quan của tự nhiên và xã hội nên có những tác động mù quáng, mò mẫm
và thô bạo dẫn đến thất bại.
Vì thiếu tư duy biện chứng, thiếu thực tiễn nên mới
“đẻ” ra “lý luận suông” và “thực tiễn mù quáng”, xuất hiện những cá nhân coi
quyền lợi của mình cao hơn lợi ích quốc gia dân tộc.
Quá trình đi lên xã hội chủ nghĩa cũng như đi trên một
con đường chưa ai đi qua, điều đó đòi hỏi “người lữ hành” phải thông thạo về
con đường mình sẽ đi, hiểu rõ về đoạn đường mình sẽ tới bằng cách nắm vững lý
luận.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận Chủ nghĩa Mác là
sản phẩm của văn minh Phương Tây, vậy nên công tác nghiên cứu học tập vô cùng
cần thiết, nghiên cứu để rút ra những gì phù hợp với xã hội, con người Việt
Nam, gạn lọc những gì không phù hợp để bổ sung hoàn thiện, việc học tập nâng
cao trình độ lý luận có ý nghĩa như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét