Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới,
chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức,
đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình
trạng kém phát triển. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt được
những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xoá đói, giảm nghèo. Chính
trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại,
hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường
hoà bình, ổn định, tạo thế và lực bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách
thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến khó lường, không thể coi
thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều
nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên,
tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục
tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn biến phức tạp.
Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây
bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay
đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Từ thực tiễn đấu tranh phòng chống “Diễn biến
hòa bình”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay có thể rút ra
một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân;
của các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng
Thực tế đã chứng minh, âm mưu, hoạt động “diễn
biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là không thay
đổi; chỉ có phương thức, thủ đoạn của chúng là thay đổi. Vì vậy, đấu tranh
phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là nhiệm vụ
khó khăn, phức tạp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành
dưới sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi phải chủ động, kiên trì, thực hiện thường
xuyên, liên tục. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà
phải sử dụng tư tưởng, lý luận cách mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động;
sử dụng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống; sử dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn
dân trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá”.
Hai là, Tăng cường công tác tư tưởng, lý luận, bảo vệ
và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
Trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch
luôn tập trung xuyên tạc, vu cáo, mưu toan xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện ý đồ chiến lược làm chuyển hoá thể chế chính
trị ở nước ta. Trong cuốn sách 1999 -
chiến thắng không cần chiến tranh, Níchxơn viết: “Mặt trận tư tưởng
là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu
dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên
mặt trận tư tưởng”.
Để bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tình hình thế
giới và trong nước khó khăn, phức tạp đến đâu, Đảng ta vẫn luôn bảo vệ và giữ
vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng
cộng sản. Theo quan điểm của Đảng ta, tuy có những vấn đề cần bổ sung, phát
triển, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là học thuyết cách mạng
khoa học nhất, tiên tiến nhất, là “vũ khí tinh thần” của giai cấp công nhân, là
kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Ba là, Sử dụng các biện pháp quyết liệt, khắc phục
những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội, tích cực tạo bước chuyển
biến mới trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí
Suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hoá” có mối quan hệ chặt chẽ với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí
và những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội. Suy thoái về tư tưởng
chính trị cùng với tệ quan liêu là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí;
tham nhũng, lãng phí tác động trở lại, làm suy thoái tư tưởng chính trị, “tự
chuyển hoá”, “tự diễn biến” nhanh hơn. Khi lún sâu vào tham nhũng, cán bộ, đảng
viên càng xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thậm chí phản bội nhân dân, phản
bội Đảng. Tham nhũng tất yếu dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá”, nhưng không phải tất cả những người suy thoái về tư
tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đều tham nhũng. Vì vậy, để đấu
tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có hiệu quả, cần có biện
pháp quyết liệt, khắc phục tệ quan liêu, những sơ hở, yếu kém trong quản lý
kinh tế - xã hội là điều kiện thuận lợi để tham nhũng, lãng phí, phát triển;
đồng thời tích cực tạo bước chuyển biến mới trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí.
Bốn là, Tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách
mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhân tố quan trọng trong đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
Đối tượng tác động của “diễn biến hoà bình”,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà các thế lực thù địch hướng tới là đội ngũ
cán bộ, đảng viên. Vì vậy, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ
nghĩa cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng trong đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Việc rèn luyện đạo
đức cách mạng là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều công phu, nghị lực mới có
thể chiến thắng chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Để giáo dục, rèn
luyện đạo đức cách mạng có hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi
dưỡng ở nhà trường với sự tự phấn đấu, tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên trên
cương vị công tác và trong cuộc sống riêng của mỗi người.
Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ
luật đảng, góp phần đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá”
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến
hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ
luật đảng giữ vai trò quan trọng, góp phần phát hiện, kịp thời khắc phục những
khuyết điểm khi mới manh nha.
Sáu là, Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động đấu
tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “giữ
vững bên trong là chính”, “tự bảo vệ mình là chính” với tinh thần tích cực tấn
công, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
Những thành tựu, kinh nghiệm của hơn 30 năm
đổi mới đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn gấp
nhiều lần so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách
thức lớn, đan xen, tác động tổng hợp, diễn biến phức tạp, không thể coi thường
bất cứ thách thức nào. Các thế lực thù địch tiếp tục ráo riết thực hiện “diễn
biến hoà bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam.
Chúng gia tăng các hoạt động bạo loạn lật đổ, đồng thời tìm cách tác động, tạo
môi trường thuận lợi thúc đẩy nhanh các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
trong nội bộ ta. Đây là hai “gọng kìm” (“diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến
hoà bình”) nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam. Do đó, để đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các
thế lực thù địch, cần tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: đấu tranh chống “diễn
biến hoà bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét