Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI

Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định đã có về xây dựng Đảng, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau đây: 

1. Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên 

2. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng 

3. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách 

4. Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng 

Trong bốn nhóm giải pháp về xây dựng Đảng do Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra, thì “Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên” được Trung ương xác định là nhóm giải pháp số một. Điều đó cho thấy vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của nhóm giải pháp này đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau . Người khẳng định: tự phê bình và phê bình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải xem tự phê bình và phê bình như mỗi ngày soi gương, rửa mặt, để làm cho sạch sẽ cơ thể; mỗi cán bộ, đảng viên “Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình” . Nên, trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội IV đến Đại hội XI của Đảng, trong nghị quyết của mỗi nhiệm kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tự phê bình và phê bình để không ngừng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong tình hình mới. Cùng với những thành tựu đạt được hết sức quan trọng, Đảng ta cũng thừa nhận vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI thừa nhận: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI tiếp tục chỉ rõ những vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay bởi nếu không giải quyết sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một trong những vấn đề “nóng”, cấp bách là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân,... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chẳng những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp hơn. Biểu hiện cụ thể của vấn đề trên là cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; không trung thực, không thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái. “Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan... Nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát...”. Nghị quyết một lần nữa khẳng định giải pháp đầu tiên là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là khâu mấu chốt nhất, nhưng cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì, nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”. Và, Tổng Bí thư yêu cầu: quá trình kiểm điểm phải thực sự nghiêm túc, không làm lướt, làm qua loa, chiếu lệ, cần đưa tự phê bình và phê bình thành nền nếp trong sinh hoạt của Đảng.


Đồng thời cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từ việc thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những quan điểm sai trái để giữ gìn Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...