Cách đây 99 năm, ngày 7 tháng 11 năm
1917 Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Đây là một sự kiện lịch
sử mang tầm vóc thời đại, ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi một quốc gia chiếm
diện tích gần 1/6 địa cầu mà còn tác động đến toàn bộ tiến trình lịch sử xã hội
loài người.
Cách mạng Tháng Mười Nga là
cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới thành công, đã đánh đổ giai cấp tư
sản, địa chủ phong kiến, lập nên chính quyền của nhân dân lao động, xây dựng
Nhà nước Xô-viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Cách mạng
Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng triệt để, khác hẳn với tất cả các cuộc
cách mạng xã hội trước đó là ở chỗ, các cuộc cách mạng đó chỉ thay đổi hình
thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác, còn cuộc cách mạng “rung chuyển
thế giới” này xóa bỏ mọi hình thức bóc lột và thủ tiêu các giai cấp bóc lột.
Cách mạng Tháng Mười Nga là
khâu đột phá đầu tiên vào dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ một mảng lớn
hệ thống của chúng, làm chúng suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc
thuộc địa và phụ thuộc đứng lên giải phóng, giành độc lập dân tộc. Cách mạng
Tháng Mười Nga trở thành sự kiện trọng đại nhất trong thế kỷ XX, ghi một dấu son
rực rỡ trong lịch sử nhân loại, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.
Thắng lợi của Cách mạng
Tháng Mười Nga là cơ sở hiện thực chứng minh học thuyết Mác - Lê-nin là đúng
đắn; chỉ rõ khả năng giành thắng lợi của nhân dân lao động; là mẫu mực tuyệt
vời về sự lựa chọn con đường cách mạng để đi đến thắng lợi trọn vẹn của những
người bị áp bức. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, giai cấp công nhân Nga
trở thành giai cấp cầm quyền, Đảng Bôn-sê-vích Nga trở thành đảng lãnh đạo
chính quyền nhà nước. Đánh dấu bước ngoặt căn bản trong đời sống nhân loại là
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đặt giai cấp công nhân vào vị trí trung tâm của
thời đại, mà đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản, một đảng cách mạng kiểu
mới, được xây dựng trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lãnh đạo
và động viên những người bị áp bức đấu tranh giành độc lập, tự do và phẩm giá
con người, giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã
để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng thế giới: Bài học về tính tất yếu phải có chính đảng
của giai cấp vô sản lãnh đạo; Bài học về tính tất yếu phải liên minh giai cấp
công nhân- nông dân; Bài học đồng thời giải quyết tốt hai nhiệm vụ giải phóng
dân tộc và giai cấp; chủ nghĩa yêu nước
chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả; Bài học về sử dụng bạo lực kiên
quyết, triệt để, mau lẹ để giành và giữ chính
quyền; Bài học về đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng chống cộng, cơ hội,
xét lại; Bài học về sự sáng tạo ra nhà
nước kiểu mới và thực hành nền chuyên chính vô sản.
Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng
Tháng Mười, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên khắp các châu lục
đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc phát
triển ngày càng mạnh mẽ, liên tiếp giành thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống thuộc
địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đưa độc lập dân tộc trở thành giá trị phổ
biến mang tính thời đại. Với sự ra đời của hàng loạt nước xã hội chủ
nghĩa ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh làm cho chủ nghĩa
xã hội trở thành hệ thống đối lập với chủ nghĩa tư bản. Trước sự lớn mạnh không
ngừng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cùng những mâu thuẫn nội tại
trong lòng chủ nghĩa tư bản ngày càng mạnh mẽ, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn
của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã buộc phải có sự điều chỉnh về
kinh tế- xã hội, đáp ứng ngày càng nhiều hơn những yêu cầu của người lao động về
việc làm, tiền công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...Con đường Cách mạng Tháng
Mười đã đưa nhân loại sang một thời đại mới, thời đại hiện thực hoá ước mơ khát
vọng về một cuộc sống không còn áp bức, bóc lột, bất công.
Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa
xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào
thoái trào, phong trào cách mạng thế giới gặp không ít khó khăn. Thực tiễn đó
làm một số người tỏ ra hoài nghi về lý luận Mác- Lênin, về con đường tiến lên
chủ nghĩa xã hội. Kiên định với chủ nghĩa Mác- Lênin, với con đường Cách mạng
Tháng Mười Nga, những nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã đổi mới tư duy lý luận, bước
đầu tìm hướng phát triển mới phù hợp sự vận động của thực tiễn. Sự nghiệp cải
cách, đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân các nước Trung Quốc, Việt
Nam, Cuba đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào sự phát
triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hiện nay, sự thành công
trong công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa đã tạo sức lan tỏa to lớn
đối với phong trào cánh tả ở nhiều nước Châu Mỹ la tinh và nhiều nơi khác trên
thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống của chủ nghĩa Mác- Lênin, sự
phát triển tất yếu phù hợp quy luật là tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng
tháng Mười Nga đã mở lối.
Khi nhìn nhận về sự kiện Cách mạng Tháng
Mười Nga có nhiều ý kiến trái chiều, một số kẻ đứng trên lập trường chống cộng của
giai cấp tư sản, tiểu tư sản, những thành phần cơ hội trong các đảng cộng sản đã
xét lại, phủ nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại này. Chúng lớn
tiếng cho rằng, đó chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần túy”, là “bước
nhảy liều lĩnh vào một lĩnh vực chưa ai biết đến”, “một cuộc bạo động phản dân
chủ”...
Trải qua chiều dài gần một thế kỷ, với
bao nhiêu thăng trầm biến cố của lịch sử, ngày nay nền chính trị thế giới đã có
nhiều biến chuyển, các giá trị tự do, dân chủ ngày càng được đề cao. Trong nhận
thức, người ta có điều kiện kiểm nghiệm sự đổi thay trong đời sống chính trị,
xã hội và khẳng định giá trị lịch sử và hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga
đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, vì hòa
bình, tiến bộ thế giới. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, tiến hành
vào ngày 12 tháng 1 năm 2008, trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra các số liệu:
57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem
lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra
một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga. 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy
vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Số người cho rằng Cách mạng Tháng Mười kìm
hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%; những người cho là một tai họa đối với
họ là 15%. Điều này, một lần nữa khẳng định tầm vóc lịch sử của Cách mạng Tháng
Mười Nga vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giống như mặt trời
chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu
hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người
chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các
thế lực phản động không từ bỏ âm mưu xóa
bỏ chủ nghĩa xã hội, chống phá phong trào cộng sản công nhân quốc tế bằng nhiều
thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo
loạn lật đổ, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, kích động tâm lý dân tộc,
đòi ly khai, can thiệp thô bạo vào các nước có chủ quyền, các nước tiến bộ, gây
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản, gây chia rẻ trong
phong trào cộng sản công nhân quốc tế. Cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân
tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới còn gay gắt, khó khăn, phức tạp và lâu
dài.
Từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin
và thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra xu hướng vận động phát triển của
xã hội loài người tất yếu sẽ lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta càng có sơ sở để giữ
vững niềm tin rằng: Dẫu có trải qua muôn vàng sóng gió, tinh thần cách mạng
tháng Mười bất diệt, tiếp tục soi đường cho cách mạng thế giới tiến lên và
giành thắng lợi./.
Đức Nguyên
Chủ nghĩa Mác – Lênin và thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra xu hướng vận động phát triển của xã hội loài người tất yếu sẽ lên chủ nghĩa xã hội
Trả lờiXóa