Sau cách mạng tháng tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi
cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Bội ước hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thoả ước
19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số
quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào
Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch
đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.
Ngày 18-12-1946, Pháp đã chuyển cho Chính phủ ta bức
tối hậu thư: đòi ta phá bỏ những vật chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự
do đi lại; trao cho chúng quyền giữ trật tự trị an ở Hà Nội; để quân Pháp đến
chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong Thành phố… Trước tình hình đó, Đảng ta
khẳng định: “Sự thật đã chứng minh rằng, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn.
Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm
ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến
chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”
Trước tình hình đó ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng Ban chấp hành
Trung Ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước
kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến. Người nói:
“Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng
quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông,
đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân
tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm
súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai
cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã
đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”
Đáp Lời kêu gọi của
lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình
tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
mãi mãi là biểu tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi
người dân đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc. Chiến dịch lịch sử Điện Biên
Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta,
đã minh chứng cho điều khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi
Toàn quốc kháng chiến: “thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi Toàn quốc
kháng chiến cách đây đã 70
năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước
dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ
quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam.
Hiện nay, trên thế
giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn
nhiều bất trắc khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông
Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất
ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Ở trong nước, những
thành tựu, kinh nghiệm 30
năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn
nhiều so với trước. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan
xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Đảng ta xác định nhiệm vụ
tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là: “Phát
huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị,
tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên
trì đấu tranh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo
vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích
quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Để có thể động viên và phát
huy sức mạnh khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc như trong công cuộc chống
ngoại xâm trước đây vào việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng hiện nay, chúng ta
cần coi trọng giáo dục sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của
toàn dân; đồng thời, phải thực sự xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó có các
hình thức và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực hoạt
động: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,…; mọi cán bộ, đảng viên, công chức
phải thực sự là “công bộc” của dân. Mọi hoạt động của tổ chức đảng và chính
quyền nhà nước phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được động lực to lớn để toàn dân phát huy mọi
tiềm lực vật chất và tinh thần trong sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là cơ sở vững chắc để ngăn chặn và
làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách
mạng Việt Nam.
“Lời kêu gọi Toàn
quốc kháng chiến” đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là
lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm
lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một
dân tộc trên 90 triệu người, với
ý chí, quyết tâm thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất
định không chịu làm nô lệ, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh
thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu
tới.
Lương Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét