Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây vừa tròn 71 năm được
xem là một lời hịch của non sông, là một văn kiện có tính chất cương lĩnh chính
trị, quân sự có giá trị thời đại sâu. Lời hiệu triệu lịch sử vào ngày
19/12/1946 của chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, ngày ấy được lấy làm: ngày toàn quốc
kháng chiến.
Ngày hôm nay
khi tổ quốc đã không còn tiếng súng, không còn đau thương giày xéo quê hương
nhưng những bài học từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn ý nghĩa lớn
lao. Trong đó có những bài học có giá trị thời đại là bài học “Giữ nước khi nước
chưa nguy”. Dựng nước và giữ nước là hai nhiệm vụ không thể tách rời của dân tộc
ta trong thời đại mới. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến đã phần nào toát lên nội dung của những nhiệm vụ này.
Cách mạng
tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước
ngoặt lớn cho lịch sử dân tộc. Khi vừa mời ra đời, nhà nước non trẻ đã phải đối
mặt với vô vàn khó khăn thử thách từ thù trong giặc ngoài, đến nạn đói, nạn dốt.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu
hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân
dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với
chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình bằng Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Phía Bắc,
Quân Tưởng Giới Thạch cũng tiến vào và câu kết với thực dân Pháp, khiến chủ tịch
Hồ Chí Minh phải nhân nhượng kí Hiệp định Xanh-tơ-ni. Tuy nhiên, thực dân Pháp
vẫn tiếp tục gây hấn, khiêu khích chính phủ ta. Trước tình hình trên, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã kí với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14 – 9 – 1946, tiếp tục nhượng
bộ cho Pháp.
Cuối tháng
11-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng.
Tại Hà Nội, trong các ngày 15 và 16, 17-12-1946 quân đội Pháp tiếp tục gây ra
nhiều vụ tàn sát, đánh chiếm các công sở của ta. Và, “giọt nước làm tràn ly”
chính là sự kiện ngày 18-12-1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư,
đòi ta phải giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng.
Trước tình
hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch
Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.
Ngay trong đêm 19/12/1946, Người đã soạn Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến được chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trong bối
cảnh đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn thử thách. Nhưng với ý chí quyết tâm
“Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của cả dân tộc
đã giúp cho Đảng, chính phủ vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng đi đến
thành công. Hiện nay trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn hòa bình ổn
đinh đi lên xây dựng CNXH, vấn đề ngoại xâm nội phản vẫn còn là một vấn đề cần
đặt ra. Quan điểm “Giữ nước khi nước chưa nguy” không phải đến nay mới được đề
cập mà trong lịch sử dựng nước, giữ nước quan điểm này cũng được đề cập và giải
quyết một cách có hiệu quả. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng khẳng định
tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra, đồng thời
bổ sung, phát triển Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình hiện nay. Đảng
ta chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới: “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi
đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại
bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” . Phải thực hiện bằng được:
“kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải
yên, chính trị – xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất” .
Những bài học
từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người được hậu thế đúc kết và trở
thành những bài học có giá trị trong đó có bài học về giữ nước khi nước chưa
nguy.
Thứ nhất là
bài học trong chính sách quân sự, đối ngoại một cách khôn khéo mềm dẻo, nhưng vẫn
xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ
hòa bình, đổi mới. Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu
mối giao thông, hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương và từ lục địa Châu
Á xuống khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc đặt quan hệ ngoại
giao với các quốc gia trong khu vực và thế giới là điều tất yếu. Tuy nhiên, nước
ta vẫn còn là nước kinh tế chưa thực sự phát triển cân xứng với tiềm năng, các
tiềm lực vũ trang cũng cần được đầu tư và trang bị hiện đại. Nguy cơ trước vấn
đề bành trướng lãnh thổ cũng như bành trướng về mặt kinh tế, chính trị vẫn còn
đặt ra vô cùng cấp bách. Việc thực hiện các chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm
dẻo là một vấn đề quan trọng, cần thiết.
Trong văn kiện
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã cho thấy sự mềm dẻo của chủ tịch Hồ Chí
Minh đối với chính sách ngoại giao: “ Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải
nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì
chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã xác định rõ quan điểm muốn hòa bình và quan điểm nhất quán đó chính
là đánh đổi tất cả để giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Đồng thời Người
cũng đã xác định rõ kẻ thù và âm mưu của kẻ thù. Qua đó xác định được nhiệm vụ
cụ thể của toàn Đảng toàn dân trong bối cảnh đất nước lâm nguy. Từ quan điểm
ngoại giao đó của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay Đảng, chính phủ ta vẫn luôn nhất
quán quan điểm ngoại giao trên cơ sở giữ gìn hòa bình, an ninh quốc gia và khu
vực, hạn chế tối đa mọi xung đột, tránh đổ máu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cương
quyết với những thủ đoạn bành trướng của các thế lực ngoại xâm và nội phản. Một
mặt, chúng ta củng cố phát triển kinh tế, xã hội làm tiền đề cho mặt thứ hai đó
là củng cố an ninh quốc phòng. Chúng ta không chạy đua vũ trang nhưng cần trang
bị các thiết bị vũ trang hiện đại để luôn luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi đất
nước lâm nguy.
Thứ hai, là
bài học trong quan điểm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đất nước ta
với lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ, với hơn 50 dân tộc anh em với nhiều màu sắc
văn hóa. Ngay từ những ngày đầu ra đời Đảng và chính phủ đã xác định nhiệm vụ
đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vận dụng
nhuần nhuyễn nội dung quan điểm này trong nhiều văn kiện. Khi ra lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến Người cũng đưa ra quan điểm toàn dân kháng chiến. “Hỡi đồng
bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ,
không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng
lên chống thực dân Pháp”. Bằng những câu văn ngắn gọn, súc tích Người đã nêu bật
lên được tất cả các đối tượng tham gia cách mạng, nói lên được sự bình đẳng tôn
trọng về tôn giáo, dân tộc trong nhiệm vụ kháng Pháp.
Ngày nay,
trong những luận điệu chia rẻ của kẻ thù thì vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng được
đặt ra rất cấp bách trong các chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Việc giải
quyết tốt các mối quan hệ trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng giúp
cho Đảng, chính phủ giải quyết tốt các nhiệm vụ được đề ra. Đặc biệt trong các
vấn đề ở khu vực biên giới phía bắc, biên giới phía Nam, khu vực Tây Nguyên hiện
đang là những vấn đề nóng. Những quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết
dân tộc về Mặt trận dân tộc thống nhất ở thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế được
tổng kết và nâng cao tầm nhận thức trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được luật hóa bằng
Hiến pháp và các luật, đã từng bước đi vào cuộc sống đã khơi dậy mạnh mẽ quyền
làm chủ của nhân dân trên mọi việc của đời sống xã hội. Dự thảo Báo cáo Chính
trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc
khóa XII của Đảng đã nhận định: “khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở
rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức”.
Thứ ba, là bài
học trong quan điểm giữ nước trên tất cả mọi phương diện. Quan điểm toàn dân,
toàn diện kháng chiến được Đảng và chính phủ đưa ra từ rất sớm, chủ tịch Hồ Chí
Minh cũng vận dụng quan điểm này trong nhiều văn kiện cũng như trong thực tế.
Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người đã nêu rõ nhiệm vụ kháng chiến,
đối tượng tham gia kháng chiến và cả hình thức kháng chiến. Đây là cuộc chiến
lâu dài không chỉ vài năm mà có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Kẻ thù có
dã tâm xâm lược nước ta trên tất cả mọi mặt chính vì thế chúng ta cũng phải
đánh kẻ thù trên nhiều mặt và bằng nhiều biện pháp.
Ngày nay,
trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa phương, đa dạng hóa sự giao lưu hợp tác giữa
các nước trên nhiều phương diện. Vấn đề giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc để hội
nhập và không bị hòa tan là một nhiệm vụ quan trọng những cũng vô cùng khó
khăn. Việc hợp tác phát triển trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
đã làm bộ mặt đất nước thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, những hệ lụy chúng ta
đang đối mặt cũng rất lớn như suy thoái kinh tế, sự ô nhiêm môi trường, sự du
nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai lấn át văn văn hóa bản địa, dân tộc… Đây
cũng là những mặt trận quan trọng để giữ vững bản sắc dân tộc, giữ vững truyền
thống của cha ông từ ngàn xưa để lại. Bài toán kinh tế, chính trị, xã hội được
đặt ra cho các nhà hoạch định, phải làm thế nào để vừa ổn định đất nước, vừa
phát triển kinh tế vừa không làm mai một đi bản sắc quốc gia dân tộc.
Hiện nay, Đảng
và chính phủ đang từng bước xây dựng và hoạch định những định hướng cho đất nước.
Mọi mặt trận, mọi công dân Việt Nam cần có sự đoàn kết, quyết tâm tin tưởng
theo sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ để sớm vượt qua những khó khăn, thử
thách của thời đại mới. Những bài học từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
là ngọn đèn soi sáng cho thế hệ sau. Đặc biệt, trong không khí chào mừng kỷ niệm
71 năm ngày toàn quốc kháng chiến, lời kêu gọi của Người như tiếng gọi của non
sông trong thời đại mới giúp toàn đảng, toàn dân vững chân trên chặng đường đổi
mới, hội nhập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét