Sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ do Hoa Kỳ muốn chúng ta nhượng bộ
một cách phi lý rằng khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam thì Quân đội Nhân dân Việt
Nam cũng phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta không chấp nhận, vì đề nghị
như vậy đặt chúng ta ngang hàng với kẻ xâm lược là Mỹ, đồng thời sẽ khiến quân
đội ta gặp rất nhiều khó khăn sau này. Song nhằm mục đích lừa bịp nhân dân Mỹ
và giữ thể diện của một siêu cường quân sự, rút quân trong “danh dự”, cứu vãn tình
thế cho sự sa lầy trong cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam cũng như không muốn
mang tiếng bỏ rơi chính phủ Ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã tiến hành chiến
dịch đánh bom lần cuối này với ý định "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ
đá", theo như tuyên bố của Tổng thống Mỹ bấy giờ Richard Nixon. Với sự cảnh
giác cao độ, quân và dân ta đã làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, tiến hành
đánh trả quyết liệt đối với chiến dịch mở rộng cuộc ném bom của đế quốc Mỹ.
Trong đó đặc biệt phải kể đến chiến công nổi bật của bộ đội PK-KQ Việt Nam.
Đúng như dự đoán của ta, trong 12 ngày đêm (18-12-1972 - 29-12-1972),
Chính quyền Ních-xơn huy động một lực lượng không quân chiến lược khổng lồ, với
khoảng 200 máy bay B52 (gần 100% số B52 ở Đông Nam Á, 50% số B52 của quân đội Mỹ),
30 máy bay F111 “cánh cụp cánh xòe” và toàn bộ máy bay tiêm kích ở Đông Nam Á
(hơn 1.000 chiếc), 6 liên đội tàu sân bay, 50 máy bay KC135 tiếp nhiên liệu
trên không,... mở cuộc tập kích quy mô lớn xuống Hà Nội, Hải Phòng, phá hủy nhiều
khu phố, làng mạc, nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học,... gây
thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất kỹ thuật của ta.
Nhờ chủ động chuẩn bị về lực lượng, thế trận, ý chí và tinh thần, với
cách đánh thông minh, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các địa
phương trên miền Bắc đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời
Hà Nội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”: bắn rơi 81 máy bay, trong đó có
34 máy bay B52, hàng chục máy bay chiến thuật của Mỹ; riêng Hà Nội bắn rơi 25
máy bay B52. Cái gọi là "sức mạnh không lực Hoa Kỳ" đã bị thảm bại
trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.
Trong 12 ngày đêm chiến dịch quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay
Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (2
chiếc rơi tại chỗ) và 42 máy bay chiến thuật các loại. Tiêu diệt và bắt sống
nhiều giặc lái Mỹ. Riêng Quân chủng Phòng không-Không quân bắn rơi 53 máy bay
các loại, trong đó có 32 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Các lực lượng hỏa
lực: Tên lửa, Không quân, Pháo phòng không đều lập công bắn rơi B-52. Chúng ta
có thể rút ra nguyên nhân dẫn đến chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không” của quân và dân ta cuối tháng 12-1972 đó là:
Thứ nhất là có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung
ương; Thứ hai là quân và dân ta luôn chủ động, sáng tạo trong chiến đấu chống lại
cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 của Mỹ; Thứ
ba là huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân để đối
phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch; Thứ tư là được
sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bạn bè và nhân loại tiến bộ thế giới
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc toàn thắng
cách đây gần 4 thập niên, nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
tháng 12-1972 - đòn đánh quyết định cuối cùng buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định
Pa-ri, rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt
Nam, mở ra thời cơ chiến lược lớn để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thu non sông đất nước về
một mối - vẫn mãi là khúc khải hoàn ca âm vang trong tâm trí của các thế hệ người
dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng
hòa bình trên toàn thế giới. Hào khí Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên
không” cùng những kinh nghiệm, bài học lịch sử của nó đã, đang và sẽ tiếp tục
được phát huy, nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng
toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay và
mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét