Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Xây dựng bản chất cách mạng cho Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội hết sức phong phú, bao gồm tất cả các lĩnh vực: Quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và trong mọi nhiệm vụ của quân đội như xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, lao động sản xuất và công tác. Đặc biệt, Người hết sức quan tâm đến xây dựng phẩm chất cách mạng cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đặt nó lên hàng đầu ngay từ khi quân đội ta ra đời và trong suốt quá trình phát triển.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta đã từ xây dựng lực lượng vũ trang phân tán ở các địa phương tiến lên xây dựng đơn vị tập trung và từ du kích chiến tiến lên vận động chiến. Vấn đề xây dựng chính quy và tinh nhuệ cũng sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra để định hướng ngay từ đầu công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Về trang bị vũ khí cho quân đội thì lấy theo phương châm của địch đánh địch và chủ yếu là dựa vào sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đảng ta đã tranh thủ những phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại được viện trợ để trang bị cho các binh chủng nhằm nâng cao sức chiến đấu của quân đội, bảo đảm giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh.

Khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, vấn đề xây dựng một quân đội có đầy đủ phẩm chất và năng lực để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi được đặt ra một cách cấp thiết. Một lần nữa, phương châm xây dựng quân đội trong tình hình mới lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đặt ra trong các hội nghị, thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai tổ chức thực hiện. Trong các hội nghị này, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thể hiện trong kết luận của Người.


Tư tưởng đó cũng đã được Người thể hiện trong các bài viết, bài nói của Người, nhất là trong các huấn thị nhân các buổi nói chuyện với cán bộ trung cấp, cao cấp, các bức thư gửi cho quân đội vào những ngày lễ lớn. Tùy theo yêu cầu của từng thời điểm, từng bối cảnh mà Người diễn đạt, nhưng tựu trung, phương châm đó có bốn nội dung cơ bản sau đây: Xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệvà từng bước hiện đại. Bốn nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, làm tiền đề cho nhau và hợp thành một chỉnh thể thống nhất trong phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xây dựng bản chất cách mạng cho Quân đội, đây là nội dung cơ bản nhất, được Người đặt lên hàng đầu trong phương châm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, vì nó thể hiện sự giác ngộ chính trị của quân đội và là nền tảng để tạo ra tính chính quy, tinh nhuệ và tiến lên hiện đại. Nó là cơ sở để xây dựng quân đội ta: trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1.

Trong nội dung này, Người để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm, tư tưởng và hoạt động thực tiễn để tạo ra nó.
1. Người chỉ ra rằng, phẩm chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ được tạo ra từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự lãnh đạo đó phải thực hiện đúng nguyên tắc: tuyệt đối, trực tiếp và về mọi mặt.

Theo Người, sự lãnh đạo đó phải tuyệt đối, vì rằng, trong những điều kiện lịch sử nhất định, về sách lược có thể có sự liên hiệp trong mặt trận, trong chính quyền nhưng đối với quân đội, công cụ bạo lực của cách mạng, thì Đảng phải là người duy nhất nắm quyền lãnh đạo và không thể phân chia quyền lãnh đạo cho bất cứ một lực lượng chính trị nào, một cá nhân nào.

Sự lãnh đạo đó phải trực tiếp, không thông qua một khâu trung gian nào cả vì quân đội là một tổ chức đấu tranh vũ trang và sự thành bại trong chiến tranh, trong chiến đấu phụ thuộc vào xử lý kịp thời các tình huống, vào việc nắm thời cơ.

Sự lãnh đạo đó phải toàn diện, bao gồm cả chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi lĩnh vực hoạt động của quân đội: chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; và trong mọi nhiệm vụ: xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, lao động sản xuất và công tác.

2. Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Người xác định phải thành lập chế độ công tác đảng - công tác chính trị trong quân đội và coi việc tiến hành công tác đảng - công tác chính trị là nguyên tắc cơ bản của sự nghiệp xây dựng quân đội.

Công tác đó là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng của Đảng nói chung, là sự vận dụng những nội dung của công tác xây dựng Đảng và công tác vận động của Đảng vào một tổ chức quần chúng đặc thù, tổ chức quần chúng cầm súng đấu tranh vũ trang.

Công tác đó có hai nhiệm vụ:

- Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạo đức và phong cách, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, phê bình và tự phê bình, bảo đảm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo quân đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ở đây có điểm cần chú ý là, từ trước đến nay, ta thường nói xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực tiễn hiện nay của công tác xây dựng Đảng đòi hỏi phải chăm lo xây dựng đạo đức, nhất là đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tính tiền phong gương mẫu và phong cách sát người, sát việc và dân chủ cho cán bộ, đảng viên.

- Hoạt động chính trị trên mọi lĩnh vực của đời sống quân đội để thực hiện sự lãnh đạo một cách toàn diện và lấy xây dựng quân đội về chính trị làm nền tảng cho xây dựng bản lĩnh và sức mạnh chiến đấu của quân đội.

3. Xây dựng quân đội về chính trị là xây dựng phẩm chất cách mạng cho quân đội. Người đã chỉ ra cho chúng ta những hoạt động sau đây để xây dựng phẩm chất đó:

a) Xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc cho quân đội. Ở đây, Người đã kết hợp một cách thực sự khoa học vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc.

Quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của giai cấp tổ chức ra và lãnh đạo nó. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và cùng nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cho nên Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của giai cấp công nhân, đồng thời là quân đội của nhân dân các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc thống nhất làm một và hợp thành bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân sẽ giúp cho Quân đội nhân dân Việt Nam có phương hướng chính trị rõ ràng, làm nền tảng cho xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội. Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc hợp thành một chỉnh thể nhưng trong đó bản chất giai cấp công nhân là cái cốt lõi, là nền tảng, là cái quyết định. Vì rằng, việc phát huy tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội cũng phải dựa trên lập trường của giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân đưa lại tính khoa học cho việc xây dựng và phát huy tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội và ngược lại, việc phát huy tính nhân dân, tính dân tộc làm cho bản chất giai cấp công nhân thêm phong phú và hài hoà với truyền thống bất khuất và các truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

b) Chăm lo giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh quân đội, giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử Quân đội3.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất trong thời đại ngày nay - là nền tảng tư tưởng của Đảng, là vũ khí lý luận, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, của quân đội ta. Nó trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam thế giới quan cách mạng, phương pháp luận khoa học để tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng và xem xét, đánh giá hiện thực khách quan để giải quyết công việc và hoạt động thực tiễn cho phù hợp với quy luật khách quan.

Trên cơ sở những nội dung giáo dục trên đây mà xây dựng cho quân đội mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lập trường chống kẻ thù xâm lược, xây dựng tinh thần yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, với sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng tinh thần triệt để chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh quân đội, mệnh lệnh của người chỉ huy, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi ác liệt của chiến tranh, mọi thử thách của bão táp cách mạng, cương quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ.

c) Chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”4. Đoàn kết nội bộ quân đội là yếu tố tạo thành sức mạnh và là nguồn gốc mọi chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tình đoàn kết keo sơn trong Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng trên cơ sở quán triệt đường lối, mục tiêu cách mạng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đó khẳng định rõ, cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là chủ thể của sự nghiệp quân sự, bình đẳng về chính trị và nhân cách. Tình đoàn kết đó còn được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ. Người chỉ ra quân đội là một tổ chức quân sự có nguyên tắc tập trung dân chủ nghiêm ngặt “quân lệnh như sơn” nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam là một tổ chức cách mạng, có dân chủ rộng để phát huy trí tuệ của mọi người vào sự nghiệp quân sự. Dân chủ là nền tảng của tập trung. Dân chủ có rộng thì tập trung mới cao, kỷ luật mới nghiêm minh và kỷ luật nghiêm minh là điều kiện bảo đảm cho dân chủ rộng.

Tình đoàn kết còn được xây dựng thông qua tự giác phê bình và tự phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, vạch rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục. Nhờ phê bình và tự phê bình mà cá nhân và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn, tình đoàn kết thống nhất nội bộ ngày càng chặt chẽ hơn.

Nhờ xây dựng đoàn kết nội bộ mà quan hệ cán bộ và chiến sĩ, cấp trên và cấp dưới, giữa chiến sĩ với nhau là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thương yêu nhau như ruột thịt. Mọi người chăm lo cho nhau về đời sống vật chất, tinh thần, dành thuận lợi cho nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, cuộc sống trong “đại gia đình” quân đội, dù ở tiền tuyến hay ở hậu phương đều chứa chan tình đồng chí, đồng đội, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau để cùng nhau tiến bộ.

d) Chăm lo xây dựng đoàn kết quân dân. Người quan tâm giáo dục cho quân đội nhận rõ họ từ nhân dân mà ra, là con em của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, tập hợp nhau lại dưới ngọn cờ cứu nước, cứu dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, là quân đội của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, quân đội phải trung với nước, hiếu với dân và vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu.

Quân đội nhân dân Việt Nam lấy lòng dân làm điểm tựa và một khi được nhân dân đùm bọc thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Đoàn kết gắn bó với nhân dân, cùng với nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược là mục tiêu, lý tưởng, là vấn đề thuộc bản chất của cán bộ, chiến sĩ ta nên không một ai được vi phạm.

Nhờ xây dựng được tình đoàn kết chiến đấu mà Quân đội nhân dân Việt Nam hết lòng thương yêu dân, quý trọng dân, bảo vệ dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, giúp đỡ dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Quân đội không đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân nên được dân tin, dân yêu, dân quý, chưa đến thì dân mong, khi đi thì dân nhớ và nhân dân trìu mến gọi quân đội ta là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhân dân hết lòng săn sóc, nuôi dưỡng quân đội. Mọi nơi trú quân, mọi chặng đường hành quân, mọi trận đánh, từng bước trưởng thành của quân đội đều có công sức của nhân dân đóng góp. Nhân dân là “tường đồng, vách sắt” che chở cho quân đội và sức mạnh của nhân dân đã nhân sức mạnh của quân đội lên nhiều lần để chiến thắng kẻ thù.

đ) Chăm lo đoàn kết quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: quân đội ta chẳng những có lòng yêu nước nồng nàn mà còn phải có tinh thần quốc tế cao cả, đoàn kết với quân đội và nhân dân hai nước Lào và Campuchia, đoàn kết với quân đội và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em trước đây. Người giáo dục quân đội ta “giúp bạn là tự giúp mình”, coi sự nghiệp của bạn như chính sự nghiệp của mình, coi đoàn kết ba nước Đông Dương là vấn đề chiến lược của cách mạng ba nước và thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa sôvanh nước lớn. Nhờ vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh với quân đội và nhân dân Lào, Campuchia cùng chống kẻ thù chung, đập tan âm mưu chia rẽ ba nước Đông Dương để thôn tính của kẻ thù và nhờ đoàn kết với quân đội và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em trước đây mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã được giúp đỡ về kinh nghiệm chiến đấu, về trang bị vũ khí nên sức mạnh được nhân lên.

e) Chăm lo giáo dục tính nhân văn, lòng nhân đạo khi đối xử với quân đội đối phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục Quân đội nhân dân Việt Nam công tác “đánh vào lòng người”, tiến hành công tác binh địch vận và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với tù hàng binh, thương binh địch. Binh địch vận, theo quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về thực chất là công tác vận động quần chúng. Đây là mũi tiến công rất quan trọng vì sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa, hành vi xâm phạm của kẻ địch là phi nghĩa và phần lớn binh sĩ trong hàng ngũ quân đội địch là những người lao động nhưng do bị đầu độc hay vì kinh tế mà phải cầm súng chống lại cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...