Đã là người dân Việt Nam hẳn mỗi chúng
ta không ai có thể quên được những ký ức hào hùng của 12 ngày đêm khói lửa
chiến đấu với cuộc tấn công điên cuồng của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội và
thành phố cảng Hải Phòng mùa đông năm 1972. Với âm mưu hủy diệt không phải chỉ
là những gì dưới mặt đất, bằng bom đạn, mà quan trọng hơn là hủy diệt được ý
chí chiến đấu và quyết thắng củadân tộc Việt Nam, nhằm gây sức ép buộc chúng ta
phải chấp nhận những điều kiện như kẻ bại trận trong một Hiệp định Pa-ri đã
được hai bên ký tắt.
Tối ngày 18-12-1972, Ních-xơn bất ngờ
khởi động Chiến dịch mang mật danh quân sự là Lai-nơ-bếch-cơ 2 (Linebacker II.
Người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Ních-xơn khi đó hoàn toàn tin vào chiến
thắng cuối cùng thuộc về mình vì vừa mới trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhưng tất cả những gì đã diễn ra trong
hai tuần cuối cùng của năm 1972 ấy đã làm tổn thất không chỉ là số lượng khí
tài mà là uy thế quân sự, đặc biệt là của lực lượng không quân chiến lược Mỹ
trước con mắt của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Hà Nội, Hải Phòng và hậu
phương miền Bắc vẫn trụ vững sau trận đánh, khí thế quân dân ta vẫn kiên cường
và lạc quan hướng tới chặng đường cuối cùng để thực hiện cái nguyên lý của Bác
Hồ đã để lại như một cẩm nang cho chiến thắng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy
nhào” đã hoàn thành trọn vẹn chỉ hơn hai năm sau đó (4-1975).
Như chúng ta đều
biết, ngày 18/12, từ 19h20 đến 20h18, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc)
liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...
Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt
đầu, mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không".
20h18, tiểu đoàn 59 trung đoàn tên lửa phòng không 261 do tiểu đoàn trưởng
Nguyễn Thăng chỉ huy phóng hai quả đạn, hạ một máy bay B-52 (rơi xuống cánh
đồng thuộc Phủ Lỗ và Đông Xuân, giữa tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nội, cách trận địa gần
10 km). Đây là chiếc máy bay B-52 G đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời
Hà Nội. Đêm cùng ngày, Mỹ huy động 90 lần B-52 ném ba đợt bom xuống Thủ đô Hà
Nội. Xen kẽ các đợt này có 8 lần F 111 và 127 lần máy bay cường kích bắn phá
các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom
xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội. 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm chết
300 người.
Ngày và đêm 19/12
4h30, địch ném bom đợt thứ 3 vào các khu vực Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam
(Mễ Trì), xã Nhân Chính, nhà máy Cao su Sao Vàng... Các trận địa tên lửa, pháo
phòng không với các đơn vị dân quân tự vệ Thủ đô bắn hàng nghì̀n viên đạn các
loại tiêu diệt một máy bay F4. Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Tên
lửa 257 bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52 D. Đêm 18 rạng ngày 19/12, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam,
đến một số đơn vị phòng không - không quân và khu vực Đông Anh, Yên Viên nơi
vừa bị B-52 ném bom, động viên thăm hỏi bộ đội và nhân dân Thủ đô.
Ngày 20/12 Từ 19h đến
sáng 21/12, địch huy động 78 lần B-52 ném bom Hà Nội và hơn 100 lần máy bay
cường kích các loại vào đánh phá nội, ngoại thành Hà Nội. Từ 20h5 đến 20h7,
trong hai phút từ cự ly 22 km với hai quả đạn, tiểu đoàn 93, trung đoàn tên lửa
261 bắn cháy một máy bay B-52 rơi tại chỗ ở khu vực ga Yên Viên, cách Hà Nội
hơn 10 km. 20h34, tiểu đoàn 77, trung đoàn tên lửa 257 bắn rơi chiếc B-52 thứ 2
ở ngoại thành. Từ 20h29 đến 20h38, ba tiểu đoàn tên lửa (78, 79, 94) tập trung
hỏa lực bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 3. Đêm 20 rạng ngày 21/12, bộ đội tên
lửa phòng không bảo vệ Hà Nội bắn 35 quả đạn, "hạ gục" 7 chiếc B-52,
trong đó 5 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp
gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội đánh tốt,
xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân.
Ngày 21/12 Chiến sự
tại Hà Nội và Hải Phòng diễn ra ác liệt. Ban ngày, 180 lần máy bay chiến thuật
của không quân và hải quân Mỹ đánh phá các mục tiêu trọng yếu: ga Hàng Cỏ và Sở
Công an (Hà Nội), nhà máy điện yên Phụ, Bộ Giao thông, cầu Phủ Lý và 6 đợt đánh
vào khu vực thị xã Thanh Hóa. Từ 21h37 đến rạng sáng 22/12, địch huy động 24
lần máy bay B-52 và 36 lần máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh sân bay và bệnh
viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển... Ngoài ra, 30 lần F4, F105 vào đánh phá các
khu vực Bắc Giang, ga Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi và An Lão
(Kiến An, Hải Phòng). Hôm đó, quân và dân ta bắn rơi 11 máy bay, trong đó bắn
rơi tại chỗ ba B-52, hai F4, hai A7, một F111, một A6, một RA50, một F105...
Ngày 22/12 2h38, bộ
đội rađa phát hiện chính xác các tốp B-52 và máy bay chiến thuật Mỹ ở hướng Tây
Nam. Lần này địch sử dụng 24 chiếc B-52 và 36 máy bay chiến thuật vào đánh phá
sân bay, bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Gia Lâm, Văn Điển... và các trận địa
tên lửa, 18 lần F 111 hoạt động xen kẽ ở độ cao thấp nhằm bất ngờ đánh phá vào
các mục tiêu đã trinh sát. 3h42, các kíp chiến đấu của tiểu đoàn 57 bộ đội
phòng không Hà Nội đồng loạt nổ súng bắn rơi tại chỗ một B-52 ở chợ Bến, Mỹ
Đức, Hà Tây. Cùng thời điểm này, tiểu đoàn 71 bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52
ở Thanh Miện, Hải Hưng (Hải Dương ngày nay). 3h46, tiểu đoàn tên lửa 93 lại bắn
rơi một chiếc B-52 ở khu vực Quỳnh Côi, Thái Bình. Trong ngày, quân và dân ta
bắn rơi 5 máy bay, trong đó bắn rơi tại chỗ ba chiếc B-52, một chiếc F4. Ngày
21, 22/12, tại trận địa Vân Đồn (Hà Nội), các chiến sĩ tự vệ nhà máy Liên Cơ Hà
Nội bằng 19 viên đạn 14,5 ly ngay loạt đạn đầu đã bắn rơi một máy bay F 111
"cánh cụp cánh xòe" của Mỹ. - Ngày 23/12 Ban ngày, 54 lần máy bay
chiến thuật của không quân Mỹ đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội. Mai
Dịch, Trạm Trôi, Hoài Đức ( Hà Tây ). Ban đêm, 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (
Lạng Sơn ) và khu vực Bắc Giang; 30 chiếc máy bay F4 và F105, 11 máy bay F111
đánh vào Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng
biển, có 7 máy bay chiến thuật của Hải quân Mỹ vào đánh Uông Bí, Phà Rừng, Sở
Dầu và sân bay Kiến An ( Hải Phòng ). Ta bắn bốn máy bay trong đó có hai B-52,
một F4, một A7.
Ngày 24/12 Ban ngày,
địch huy động 44 lần máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên (Cao Ngạn
và dọc đường số 1), Sen Hồ, Việt Yên (Hà Bắc). Ban đêm, từ 19h50, địch dùng 33
lần B-52 đánh phá ác liệt ga Kép, Bắc Giang, phối hợp với 39 lần máy bay chiến
thuật yểm hộ đánh phá các sân bay Yên Bái, ga Kép và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội).
Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 5 chiếc máy bay, trong đó có một B-52, hai F4,
hai A7. Lấy cớ nghỉ lễ Noel, 24h ngày 24/12, địch tạm ngừng cuộc tập kích để
củng cố lực lượng.
Ngày 25/12 Quân đội
Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. - Ngày 26/12 13h, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay
cường kích các loại vào ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm
biến thế Đông Anh. Tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 285 đã bắn rơi một máy bay
F4. Từ 22h5, địch sử dụng 105 lần B-52 và 110 lần máy bay chiến thuật hộ tống
đánh ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu trên cả ba khu vực: Hà Nội, Hải Phòng và
Thái Nguyên (Mỹ tập trung 66 lần B-52 vào đánh phá Hà Nội, 21 lần B-52 đánh
Thái Nguyên và 18 lần B-52 đánh Hải Phòng). Từ 22h40, B-52 ồ ạt đến ném bom rải
thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội. Khu phố Khâm Thiên
và Khu Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề. Từ các trận địa khu vực ngoại thành, ba
tiểu đoàn tên lửa (57, 76, 88) đã tập trung bắn rơi một máy bay B-52. Sau ít
phút các tiểu đoàn (57, 58, 79, 85, 87, 94) lập tức bắn rơi tại chỗ hai máy bay
B-52, một chiếc rơi xuống xã Định Công (Thanh Trì). Với kinh nghiệm dày dạn,
các tiểu đoàn tên lửa Phòng không (59, 93, 78, 79) đã phân tích chính xác, mục
tiêu B-52 trong dải nhiễu, bắn rơi thêm hai B-52. Cùng thời gian này tại Hải
Phòng, tiểu đoàn tên lửa 81 bắn rơi một B-52, Đại đội 74 pháo 100 mm, trung
đoàn 252 cũng bắn rơi một B-52. Trận chiến đấu đêm 26/12 diễn ra hơn một giờ,
lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh
một trận lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là
trận đánh then chốt quyết định bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B- 52 nhất
trong 9 ngày qua. - Ngày 27/12 Sáng 27/12, 100 lần máy bay chiến thuật của địch
chia làm ba đợt đánh phá dữ dội vào các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội như nhà
máy dệt 8/3, ga và kho Văn Điển, cầu Đuống, Gia Lâm, đài phát thanh Mễ Trì, các
trận địa tên lửa, rađa... Đại đội 61 tiểu đoàn 20 bắn rơi một máy bay F4. Cùng
ngày 27, không quân ta cất cánh hai lần bắn rơi hai chiếc F4 của Mỹ. Từ 19h đến
22h, 36 lượt B-52, có 66 lượt máy bay chiến thuật yểm hộ, tập trung đánh phá
các khu vực: Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nội, Cổ
Loa. Xen kẽ giưa các đợt hoạt động của B-52 là 17 lần F 111 tiếp tục thay nhau
đánh phá. 22h20, Bộ Tư lệnh Không quân cho phi công Phạm Tuân lái máy bay MIG-
21 cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái được Sở chỉ huy và rađa dẫn đường trực
tiếp bảo đảm, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng đội hình
B-52. Đến bầu trời khu vực Mộc Châu - Sơn La, anh tiếp cận được mục tiêu, công
kích bằng hai quả tên lửa. Một chùm lửa bốc cháy trùm lên chiếc B-52 đầu tiên
bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên
không". 23h, bằng 32 quả đạn, các đơn vị tên lửa phòng không đã bắn tan
bốn máy bay B-52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ. 23h02, hai tiểu đoàn tên
lửa (71, 72) bắn tiêu diệt tốp máy bay B-52 từ hướng Tây lao vào đánh phá Hà
Nội. Bằng hai quả đạn theo phương pháp bám chính xác vào giữa nền dải nhiễu
đậm, chiếc B-52 chưa kịp cắt bom đã bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống làng Ngọc
Hà, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đây là chiếc B-52 duy nhất chưa kịp cắt bom
đã bị bắn rơi. Tiểu đoàn 59 và tiểu đoàn 77 cũng bắn rơi hai máy bay B-52 ngay
sau đó. Trong ngày và đêm đó, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay, trong đó
có 5 B-52, 5 chiếc F4, hai A7, một A6, một máy bay lên thẳng HH- 53 đến cứu
giặc lái.
Ngày 28/12 Từ 10h đến
17h, 131 lần máy bay chiến thuật các loại đánh vào trận địa của bộ đội phòng
không - không quân. Không quân ta cất cánh, bắn rơi một máy bay RA- 5C. Cùng
ngày, Bộ Tổng Tham mưu thông báo: Tổng thống Mỹ Nixon chấp thuận nối lại các
phiên họp Hội nghị Paris. 21h41, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh của Sở chỉ
huy Không quân, lái chiếc MIG-21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, do Sở chỉ huy
sân bay Thọ Xuân và rađa dẫn đường vòng ra phía sau đội hình B-52 đuổi địch đến
vùng trời Sơn La. Phát hiện được B- 52 bám sát ở cự ly gần, Vũ Xuân Thiều xin
công kích, quyết tiêu diệt địch. Sau khi bắn cháy máy bay địch, phi công Vũ
Xuân Thiều cũng anh dũng hy sinh. Trận đánh ngày và đêm 28/12, quân và dân ta
bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có hai B-52, một RA- 5C.
Ngày
29/12 23h16, 60 lần B-52 lần lượt đánh vào: 30 chiếc B-52 đánh khu gang thép
Thái Nguyên và khu Trại Cau, 18 B-52 đánh khu vực Đồng Mỏ (Lạng Sơn), 12 B-52
đánh Kim Anh (Vĩnh Phú). Ngoài ra, 70 lần máy bay chiến thuật của không quân và
hải quân Mỹ đánh xen kẽ các sân bay Thọ Xuân, Yên Bái, Hòa Lạc, Kép và khu vực
Kim Anh (VĨnh Phú), , Đông Anh (Hà Nội), ngoại vi Thành phố Hải Phòng và Quảng
Ninh. Ta bắn rơi hai máy bay, trong đó Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội bắn
rơi một B-52, một F4. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm
"Điện Biên Phủ trên không" bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng Chạp năm 1972.
Đúng 7h ngày 30/12,
Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pari về
Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B- 52 của Mỹ vào Hà
Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm
"Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các
loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật
khác.
45 năm đã trôi qua, những người trực
tiếp tham chiến của cả hai bên đều đã tổng kết trận đánh. Với Mỹ là chiến dịch
tập kích chiến lược bằng B-52, còn với ta là cuộc phòng thủ kiên cường nhưng
lại mang tên gọi của một trận công kiên diễn ra 18 năm trước đó: “Điện Biên
Phủ” nhưng lại ở “trên không” và ở ngay giữa lòng Thủ đô của đất nước, đúng như
lời tiên đoán của Bác Hồ về một trận quyết chiến chiến lược sẽ diễn ra trên bầu
trời Hà Nội, cũng như Mỹ sẽ sử dụng B-52.
Thời gian đã dần lùi xa, nhiều vị
tướng lĩnh trụ cột và những chiến sĩ kỳ cựu tham gia chỉ huy và trực tiếp tham
dự trận chiến ấy không còn nữa, những người trẻ đều đã bước vào tuổi lão niên.
Nhiều hiện vật đã được đưa vào bảo tàng, nhiều pho sử tổng kết chiến tranh đã
được ghi lại. Bên cạnh những con số thống kê như những biểu tượng chiến thắng,
như số lượng những chiếc máy bay của địch, đặc biệt là những “pháo đài bay”
B-52, loại máy bay mà cho đến nay chưa từng bị bất cứ đối phương nào trên thế
giới bắn hạ lại bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và miền Bắc trong 12 ngày đêm 45
năm trước. Chiến thắng ấy là kết tinh của ý chí chiến đấu cùng nghệ thuật quân
sự tài tình của lực lượng phòng không – không quân Việt Nam, của những con
người sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập tự do của Tổ Quốc, cho hạnh phúc của
nhân dân.
Chiến thắng ấy một lần nữa thể hiện
tinh thần “ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà có lẽ cũng chỉ Việt Nam mới có,
mọi người dân đều có thể ra đi nhẹ
nhàng, nhà cửa và tài sản bên trong có thể giao phó cho những người hàng xóm
hay chính quyền có trách nhiệm ở lại; họ sẵn sàng giao con cái của mình cho
những người không mấy thân thích nhưng cùng cảnh ngộ hay được xã hội phân công;
họ đến đâu cũng được những chủ nhà vốn là những người nông dân mộc mạc sẵn sàng
nhường những chỗ ở tốt nhất với câu nói cửa miệng không hề khách sáo mà lại
chan chứa tình nghĩa: “Các bác vì nước, vì dân, (đôi khi còn nói: Vì thằng Mỹ)…
mới phải về đây với chúng em”… Hồi ấy, rất ít thấy nói đến trộm cắp, cướp của,
giết người… Phải chăng, khi mọi người cùng chung ý chí, cùng chia sẻ cảnh ngộ,
cùng mong đến ngày thắng lợi với ước mơ thanh bình thì xã hội trở nên trong
sạch, ngay trong khói đạn của chiến tranh và nghèo khó?…
Những phẩm chất
ấy đã từng nhiều lần xuất hiện trong đời sống xã hội nước ta qua những thử
thách trong quá khứ lịch sử mà những ngày diễn ra “Điện Biên Phủ trên không” là
một bằng chứng sống động. Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng
“Điện Biên Phủ trên không” với niềm tự hào về quá khứ, chúng ta hãy biết phát
huy những truyền thống, những phẩm chất vốn tiềm ẩn trong con người Việt Nam
chúng ta, tích cực tham gia công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần
đưa nước ta đi lên sánh ngang với bè bạn năm châu như mong ước của chủ tịch Hồ
Chí Minh vĩ đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét