Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quân và dân miền Bắc
đã vượt qua mọi khó khăn, mọi hy sinh, gian kổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của
hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Đồng thời đã đánh bại hai cuộc chiến
tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đỉnh cao là chiến dịch
12 ngày đêm đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng
B.52 của đế quốc Mỹ cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, làm nên một
chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", buộc đế quốc Mỹ phải
ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước
ngoặt lịch sử cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên giành thắng lợi
hoàn toàn.
Có
thể hiểu “Tập kích đường không chiến lược” là một cuộc tập kích từ trên không bằng
các lực lượng và phương tiện tiến công đường không nhằm đánh phá tập trung, ồ ạt,
bất ngờ, mãnh liệt và liên tục trong thời gian nhất định vào một số mục tiêu hoặc
một số hệ thống mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược về quân sự, chính trị,
kinh tế của đối phương trên mặt đất hoặc trên mặt nước nhằm đạt những mục tiêu
chiến lược nhất định, như: Giành quyền làm chủ trên không; làm suy yếu tiềm lực
kinh tế, quốc phòng và khả năng tiến hành chiến tranh của đối phương; bảo đảm
thắng lợi cho các cuộc tiến công của lục quân và hải quân. Một cuộc tập kích đường
không chiến lược có thể thực hiện một số hoặc cả ba mục đích trên, tùy theo mục
đích chiến lược và khả năng của bên tiến công. Phương pháp tập kích đường không
chiến lược là oanh tạc toàn diện trên phạm vi rộng đồng thời vào nhiều mục
tiêu, nhưng có trọng điểm nhằm phá hoại hoặc làm tê liệt những mục tiêu này; hoặc
oanh tạc tập trung nhằm phá hoại tất cả các mục tiêu có cùng một tính chất như
hệ thống đường giao thông, các kho xăng dầu ... ở nhiều khu vực khác nhau làm
tê liệt một ngành trọng yếu về chiến lược.
Cuộc
tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ bằng máy bay B.52 vào miền Bắc
nước ta, chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng, tháng 12-1972, vào gần cuối cuộc chiến
tranh, diễn ra trong ba ngày đêm nhằm 3 mục đích: ngăn chặn sự chi viện của hậu
phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam; đánh hủy diệt các khu đông dân cư;
gây áp lực buộc ta phải trở lại cuộc Hội đàm Pa-ri trên thế yếu và hạ thấp một
số điều khoản trong Hiệp định để đi đến ký kết. Để nghi binh, giữ bí mật ý đồ tập
kích bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, đế quốc Mỹ đã làm ra vẻ nối
lại cuộc đàm phán Pa-ri, hẹn ngày ký kết Hiệp định, tuyên bố hòa bình trong tầm
tay… Tổng thống Mỹ Ních-xơn bí mật quyết định dùng B.52 đánh phá Hà Nội và Hải
Phòng, nhưng làm như không có gì xảy ra, đưa vợ con đi nghỉ Nô-en ở trang trại.
Trong khi đó, giới quân sự Mỹ khẩn trương và bí mật điều động thêm máy bay đến Thái
Lan, Gu-am, đưa số máy bay B.52 lên 200 chiếc, điều 50 máy bay tiếp dầu đến
Phi-líp-pin, 6 tàu sân bay đến khu vực biển Đông... để chuẩn bị cho cuộc tập
kích.
Tội
ác của Đế quốc Mỹ gây ra cho quân và dân miền Bắc trong chiến dịch “Hà Nội – Điện
Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Trước
hết phải nói đến sự bất nghĩa của tội ác từ những kẻ cầm đầu Nhà Trắng.
Ních-xơn đã từng tuyên bố vào năm 1968 “Người Bắc Việt Nam cần phải hiểu là
Ních-xơn đây sẵn sàng làm bất cứ việc gì để chấm dứt chiến tranh… hãy đừng làm
cho tôi nổi giận và nên nhớ rằng tay tôi đang đặt trên nút phóng tên lửa hạt
nhân… Nếu không, trong vòng 2 hôm Hồ Chí Minh phải có mặt ở Pa-ri để cầu xin
hòa bình” và “Điều phân biệt tôi với Giôn-xơn là tôi có gan dùng sức mạnh của
con bài B52”.Trong hồi ký của mình
Ních-xơn cũng đã viết “Tôi đã đích thân gia lệnh tiến hành cuộc ném bom lớn nhất
xuống các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng vào đêm 26 tháng 12”.
Nói
như đại văn hào Ta-go của Ấn Độ người mà được Hồ Chí Minh ca gợi là “Đại văn
hào mà cả thế giới đều kính trọng” thì: “Con người một khi trở thành thù thì
còn ác hơn cả loài thú” – Ních xơn được coi là “Người thú như thế” khi quyết định
tiến công đường không tháng 12 năm 1972 đối với nước ta.Báo chí hồi đó đã liên
tiếp phê phán Tổng thống Ních-xơn “Đây là một hành động khủng bố vô đạo làm
hoen ố nước Mỹ” hoặc “Tổng thống là một bạo chúa lên cơn điên”.
Một
nhà báo Mỹ tên là I-tơn đến miền Bắc Việt Nam và được tận mắt chứng kiến cuộc
tiến công đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ đã bày tỏ sự thán phục trước
hình ảnh những nữ quân dân tự vệ Hà Nội dũng cảm bắn máy bay Mỹ: “Trong bom đạn
mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường
theo các máy bay phản lực khổng lồ của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng, họ
có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là một ý chí có
tính chất truyền thống trong những người dân mà tôi đã gặp”.
Chiến
thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại của
dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân,
của “thế trận phòng không nhân dân” sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ
thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Của ý chí thông minh và lòng dũng cảm
của dân tộc ta chống tập kích đường không quy mô lớn của kẻ thù với vũ khí
trang bị hiện đại.
Chiến
thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” thực sự là đòn quyết định cuối cùng trực
tiếp giữa ta và quân đội Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải kết thúc chiến tranh xâm lược
ở Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”. Chiến thắng đó đã tạo
ra bước ngoặt lịch sử cơ bản, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở
miền Nam tiến tới giành thắng lợi hoàn thành “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước
đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”có thể coi
như một cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về chính trị
và quân sự, không những với quá khứ mà còn cho cả tương lai. Nước Mỹ là nước đế
quốc đầu sỏ có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh nhất trong các nước tư bản, đế quốc,
đã huy động một lực lượng lớn vũ khí chiến lược máy bay B.52 và các máy bay chiến
thuật hiện đại, cùng với một lượng bom đạn khổng lồ đánh phá Thủ đô Hà Nội,
nhưng chỉ sau 12 ngày đêm Mỹ phải cam chịu thất bại cay đắng chưa từng có trong
lịch sử, trước một nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu. Cay đắng và nhục
nhã trước thất bại thảm hại đó, “Hội chứng Việt Nam” sẽ còn đeo đẳng, ăn sâu
trong lòng nước Mỹ.
Chiến
thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" đã chứng minh sức sống của học
thuyết Mác-Lênin về chiến tranh và cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng
quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam.
Ngày
nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật áp dụng vào lĩnh vực
quân sự, ngày nay các cuộc chiến tranh đặc biệt là các cuộc tập kích đường
không thường diễn ra rất mau lẹ, tính cơ động và trình độ tự động hóa cao. Với
các hệ thống định vị, xác định tọa độ chính xác đến cm, các tên lửa vượt đại châu,
tên lửa hành trình… có thể phá hủy mục tiêu bất cứ lúc nào. Đứng trước tình
hình đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta phải đề ra đường lối đúng đắn
trong nhiệm vụ vừa xây dựng nhưng lại đồng thời vừa Bảo vệ Tổ quốc để không bị
bất ngờ trước mọi tình huống, đặc biệt là các tình huống trên không.Không ngừng
xây dựng đất nước vững mạnh về chính trị; Sự ổn định về chính trị là nhân tố
quan trọng, quyết định hàng đầu đến vận mệnh của đất nước. Vận dụng sáng tạo nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới, xây dựng
và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, lấy
xây dựng chính trị làm cơ sở cho mọi mặt khác, coi việc xây dựng nhân tố chính
trị - tinh thần là một trong những nhân tố quyết định đến tiến trình và kết cục
của chiến tranh mà vấn đề cốt lõi là làm cho quân đội ta luôn là lực lượng
chính trị trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
45
năm đã đi qua, chúng ta có điều kiện để nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc, toàn diện
hơn tầm vóc to lớn của chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không",
chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc,
của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng đó đã viết lên trang sử
hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, là niềm kiêu hãnh của nhân dân Việt
Nam, là bài học quí về trí thông minh, lòng dũng cảm và tài nghệ quân sự đánh địch
tiến công đường không của quân và dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét