Nhân dịp kỷ niệm
73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2017), 28
năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2017). Cùng nhìn lại chặng
đường xây dựng, phát triển, những chiến công lịch sử của Quân đội của nhân dân
Việt Nam, quân đội do nhân dân, vì nhân dân là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân
dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo
dục và rèn luyện.
Ngay từ khi ra
đời (03/02/1930), Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lê nin về bạo
lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng
định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực
cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để
làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn
tắt của Đảng (02/1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “Tổ
chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng (10/1930) cũng chỉ
rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức ra
đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là
Xô-viết Nghệ-Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông
(Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của lực lương vũ trang cách mạng
Việt Nam.
Từ tháng 9 năm
1939, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và
chiến tranh du kích đã diễn ra trên nhiều địa phương. Hàng loạt tổ chức vũ
trang lần lượt được thành lập và phát triển như: Du kích Nam Kỳ (1940), Đội du
kích Bắc Sơn (1941), Cứu quốc quân (1941)... Phong trào đấu tranh cách mạng của
quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các
tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ
lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng
dân tộc.
Sau một thời
gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa hai tổng
Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là
xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân,
nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội
đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ
vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp
đất nước Việt Nam”.
Đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người, biên chế thành 03 tiểu đội do đồng
chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có
chi bộ Đảng lãnh đạo.
Tháng 4 năm
1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức
vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu
quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên
thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được
đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12- 1944 được lấy làm Ngày thành
lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét