Ngày 27/7/1947 cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn
dặn đồng bào và chiến sỹ cả nước “Là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu
nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” (lúc đầu gọi là ngày thương binh toàn quốc). Người còn căn dặn, họ
là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
đồng bào … Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người
con anh dũng ấy.
Trên
thực tế ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã rất quan tâm đến công tác thương binh liệt sĩ. Nhân
dân ta vốn có truyền thống “uống nước nhớ
nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, lại được Đảng, Bác Hồ giáo dục
và lãnh đạo nên đã dành rất nhiều tình cảm thương yêu và lòng biết ơn của mình
cho các thương binh và gia đình liệt sỹ. Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sỹ bị
nạn” về sau được đổi tên thành “Hội giúp thương binh bị thương” được
thành lập ở Thuận Hóa – Huế, ở Hà Nội và một số địa phương khác mà chủ tịch Hồ
Chí Minh là hội trưởng danh dự đầu tiên của Hội.
Chiều
ngày 28/5/1946, Hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn
Thành phố Hà Nội với sự tham gia của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi mọi người
gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thuơng, coi đây là một hành vi
cứu nước. Trước sự khó khăn, thiếu thốn của một đất nước vừa mới giành độc lập,
cuối năm 1946, lại thêm một phong trào sâu rộng nữa của quần chúng ủng hộ các
chiến sỹ được dấy lên thông qua cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”. Chiều
ngày 17/11/1946 tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp quốc dân Việt
Nam đã tổ chức buổi lễ xung phong “Mùa
đông binh sỹ” với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của
Chính phủ. Tại buổi lễ, Bác Hồ kính yêu đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc
để tặng binh sỹ. Noi gương Người, đồng bào khắp nới đã xung phong ủng hộ hàng
vạn quần áo, giày mũ cho các chiến sỹ.
Từ ngày 19/12/1946 khi cuộc kháng chiến toàn quốc
bùng nổ, số binh sỹ bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên.
Vấn đề thương binh, liệt sỹ trở thành vấn đề lớn và hết sức quan trọng. Ngày
16/2/1947 chính phủ ban hành chế độ “hưu bổng thương tật”và “tiền tuất cho thương
binh liệt sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện sự
quan tâm, ưu ái đối với các chiến sỹ bị thương và gia đình liệt sỹ.
Tháng
6 năm 1947 tại xã Phú Minh – huyện Đại Từ (Thái
Nguyên), một Hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các Hội, đoàn
thể chính trị ở Trung ương quyết định chọn ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh
toàn quốc và chiều ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn của huyện Đại Từ, đã tổ chức
một cuộc mít tinh lớn. Đại biểu Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc trịnh
trọng đọc bức thư của Hồ chủ tịch gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày
Thương binh toàn quốc. Từ đó hàng năm, cứ vào dịp 27/7 nhân dân cả nước lại sôi
nổi tổ chức các hoạt động quyên góp giúp đỡ chăm sóc các thương binh và gia
đình liệt sỹ. Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành một ngày rất thiêng liêng, phản
ánh ý chí quyết giành độc lập tự do và sự tôn trọng quý mến của nhân dân cả
nước đối với những người đã vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của
nhân dân mà hy sinh xương máu, tính mạng.
Từ
năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi tên ngày thương binh toàn quốc
thành “ngày Thương binh – Liệt sỹ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm , sự
quan tâm, ghi nhận và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
trước những hy sinh, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh,
bệnh binh, các gia đình chính sách có công với cách mạng vì nền độc lập, tự do
của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân.
Hàng năm, cứ đến 27/7 nhân dân trong cả nước lại
sôi nổi tổ chức kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ và coi đó là sự kiện quan
trọng có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc. Cứ mỗi năm trôi qua, công tác thương
binh liệt sĩ lại có bước phát triển mới, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn, chu
đáo hơn và đạt kết quả cao hơn trong chính sách chế độ cũng như trong cuộc vận
động toàn dân chăm sóc thương binh và gia đình liệt sỹ.
Ý
nghĩa chính trị sâu rộng của việc làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và chăm
sóc người có công với cách mạng cũng như việc tổ chức kỷ niệm ngày thương binh
liệt sĩ được thể hiện:
Thứ nhất: Nó phản ánh sự đánh giá, ghi nhận của Đảng,
Nhà nước và của toàn xã hội đối với
những hy sinh xương máu, những đóng góp lớn lao của các thương binh, liệt sỹ và
gia đình họ đối với Tổ quốc, với nhân dân. Thông qua sự quan tâm chăm sóc, đùm
bọc, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, người thương binh, bệnh binh và
gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh càng thêm trân trọng, tự hào với những gì mình đã đóng
góp cho tổ quốc, cho nhân dân. Làm cho bản thân và gìa đình họ tăng thêm ý chí,
nghị lực để phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống và tiếp tục
đóng góp, cống hiến tài năng và công sức cho công cuộc bảo vệ, dựng xây nước
nhà. Hoạt động kỷ niệm này sẽ góp phần cổ vũ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là
lớp trẻ hăng say cống hiến, hun đúc thêm ý chí không có gì quý hơn độc lập tự
do, ý chí tự cường dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, yêu CNXH, tinh thần
cách mạng tiến công, tình yêu mãnh liệt đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng
lãnh đạo, động viên gia đình Thương binh liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền
thống, nêu gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và đời sống hàng ngày.
Thứ hai : Đây cùng là dịp nhằm
giáo dục cho mọi người dân ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh
hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và các gia đình thương binh liệt sỹ về
những đóng góp, hy sinh xương máu của họ vì sự tồn vong của Tổ quốc, vì hạnh
phúc của nhân dân. Giáo dục cho mỗi người dân, đặc biệt là lớp trẻ, những tấm
gương sẵn sàng chiến đấu xả thân vì dân, vì nước, khơi dậy niềm tự hào về
truyền thống hào hùng của cha anh, phát huy truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”,
“uống nước nhớ nguồn” của dân tộc tích cực tham gia có hiệu quả vào công
tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, góp
phần làm cho công tác phát triển thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội.
Trong thư Bác viết gửi đồng bào tháng 7/1952, Hồ chủ tịch nhắc nhở “về phần
đồng bào nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân đối với chiến sỹ thương binh, bị
bệnh, không nên coi đó là việc làm phúc”. Theo Bác, chỉ có trên cơ sở đó
mới thúc đẩy phong trào chăm sóc TB, gia đình LS và các đối tượng có công với
cách mạng phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả thiết thực, làm cho công tác Thương
binh liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng ngày càng mang tính xã hội
hóa cao với tinh thần “Nhà nước,
nhân dân và đối tượng chính sách cùng lo”. Chỉ có như vậy thì hiệu quả mới
cao và các đối tượng chính sách mới ổn định và nâng cao được đời sống, góp phần
vào sự ổn định chính trị xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ ba: Đây cũng là dịp giúp cho mọi
người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta đối với công
tác thương binh liệt sỹ và chăm sóc người có công với cách mạng, hiểu rõ hơn
các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này để cùng nhau tổ
chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành và góp phần hoàn
thiện, bổ sung chính sách cho hợp lý và hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
Thứ tư
: Đây cũng là dịp để tổng kết,
rút kinh nghiệm công tác tổ chức cũng như hiệu quả các phong trào đền ơn đáp
nghĩa trong nhân dân, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách của các tổ
chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Từ đó kịp thời phổ biến kinh nghiệm,
biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều công lao đóng góp xây dựng phong
trào, chăm sóc đối tượng chính sách, những tấm gương thương binh, gia đình liệt
sĩ và người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, bênh tật để vươn lên
trong học tập, công tác và đời sống hàng ngày, khơi dậy và phát huy những tiềm
năng to lớn trong nhân dân đối với công tác này, khai thác thêm các khả năng
trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho việc chăm lo thương
binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Thứ năm : Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và chính sách đối với người có
công với cách mạng còn thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước
Xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh
đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, làm tăng thêm tiềm lực của cách mạng,
tăng thêm sự gắn bó máu thị của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, củng cố vững
chắc khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần ổn định chính trị xã hội và giữ vững
định hướng XHCN, chống lại một cách có hiệu quả và làm thất bại âm mưu, thủ
đoạn “DBHB” – BLLĐ của các lực lượng
thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bôi nhọ quá khứ hào hùng
của dân tộc ta, gây chia rẽ trong nhân dân, làm mất niềm tin của nhân dân vào
năng lực lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và thành công của sự nghiệp đổi mới, đẩy
mạnh CNH, HĐH ở nước ta hiện nay.
Năm 2017 kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ,
đây còn là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một lần nữa ghi nhớ những
đóng góp và công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã vì dân, vì
nước mà không tiếc máu xương. Đây cũng là dịp để thể hiện tấm lòng nhân hậu,
thủy chung “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống
nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”- một truyền thống quý báu của
dân tộc được hình thành và phát triển qua bao đời nay. Đây không chỉ là nghĩa
vụ mà còn là trách nhiệm, là vinh dự của mỗi người dân Việt Nam, những người đã
và đang được thừa hưởng cuộc sống yên bình, ấm no, tự do, hạnh phúc, mà để có
được điều này trải qua bao thế hệ cả dân tộc Việt Nam đã phải gồng mình trong
công cuộc đấu tranh giải phóng, dựng nước và giữ nước. Trong cuộc đấu tranh vệ
quốc vĩ đại ấy theo tiếng gọi của Tổ quốc và sự thôi thúc con tim, có biết bao
người con ưu tú đã xung phong ra nơi chiến trường khói lửa rồi mãi mãi không
trở về nữa trong sự mỏi mòn ngóng trông của người thân, gia đình; lại có biết
bao người con khác ngày trở về của họ đã không có được sự bình yên trọn vẹn khi
họ mãi mãi mang trong mình những thương tích, những mất mát và nỗi đau cả về
thể xác lẫn tinh thần trong suốt quãng đời còn lại; cùng với đó là biết bao gia
đình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự tồn vong của dân tộc và hạnh phúc
của nhân dân mà đã chấp nhận hy sinh, hiến dâng cả những gì cao quý nhất,
thiêng liêng nhất thuộc về mình: Đó là sức khỏe, là trí tuệ, là mồ hôi xương
máu và tính mạng của chính bản thân và người thân họ. Chính những hy sinh và
đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và các gia
đình có công với cách mạng đã góp phần quan trọng tạc vào lịch sử dân tộc một
dáng đứng hiên ngang, bất diệt mà các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau sẽ luôn
trân trọng, ghi nhớ, ra sức phát huy và phát triển lên những tầm cao mới – dáng
đứng Việt Nam.
Tổ
chức kỷ niệm ngày TB-LS (27/7) còn là thời cơ lớn để toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta thực hiện thêm một bước mang thật nhiều ý nghĩa về công tác chăm
sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Khai mạc Đại
hội XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Đại
hội chúng ta tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ cách mạng tiền
bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã cống hiến, lao động, chiến đấu
ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong 12 nhiệm vụ tổng
quát, Đại hội XII đề ra là: Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an
sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có
công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng dân số, chất
lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu
nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn.