Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bài học từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó là kết tinh của nhiều yếu tố; trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Từ thân phận nô lệ, Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do, có quyền tự quyết; nhân dân Việt Nam trở thành người chủ và làm chủ trong một chế độ dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm rung chuyển và chấn động hệ thống thuộc địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên phạm vi quốc tế.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đúc kết bài học quý về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa “ý Đảng với lòng dân”, như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa-chính trị Việt Nam hiện đại.

Bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đang tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bài học đó tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”; Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kế dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hiện nay, vấn đề phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đang đứng trước những thuận lợi và cả những thách thức mới. Dưới tác động của sự phát triển kinh tế thị trường, của mở cửa, hội nhập làm cho sự phân hóa các tầng lớp xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày một gia tăng và cùng với những cái đó là sự phân hóa với những mức độ khác nhau về tư tưởng, đạo đức, lối sống...; bên cạnh đó, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Chúng lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhằm chia rẽ khối ĐĐKTDT, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,...

Tình hình đó đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết đúng đắn vấn đề lợi ích trong xã hội, coi sự thống nhất về những lợi ích căn bản là cơ sở sâu xa của đoàn kết toàn dân. Đồng thời phải “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.


Phát huy bài học sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc không chỉ phụ thuộc vào việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền và đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch mà còn phụ thuộc vào việc giữ định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển kinh tế thị trường, vào việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế, xã hội đối với con người, với các giai tầng xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân phải thực hiện cho tốt mới tạo được sự đồng thuận xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân mới không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...