Chiến tranh nào không có đau thương, mất mát, cuộc chiến nào
cũng để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc. Đi qua những cuộc chiến chinh đầy
máu và nước mắt, mỗi tấc đất Việt Nam đã thấm đẫm máu của biết bao người dân Việt
Nam vì một tương lai tươi sáng của dân tộc. Những người đã ngã xuống ấy, những
người đã để lại một phần cơ thể của mình trên khắp mọi miền của Tổ quốc, trên
những nơi đất khách quê người, để viết nên truyền thống hào hùng của dân tộc,
viết nên những trang sử vàng của Quân đội anh hùng.
Những sự hy sinh, mất mát của những người
lính trên tiền tuyến luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của toàn Đảng,
toàn dân và đặc biệt là Hồ Chí Minh. Ngay sau cách mạng tháng tám, ngày 28-5-
1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà
hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11-7-1946, tại Nhà
hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận,
mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét
đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19-12-1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến
tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến
sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt
sĩ trở thành vấn đề cần được quan tâm. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp
tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký
sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 chính thức đặt chế độ "Lương hưu
thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ". Đây
là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ, khẳng định vị
trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến
cứu nước của dân tộc.
Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh
thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập. Tháng 6-1947,
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày thương
binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực
hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các
ngành ở Trung ương, và một số địa phương đã họp tại một địa điểm ở xóm Bàn Cờ,
xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí chọn ngày 27-7 hàng năm
là Ngày thương binh toàn quốc. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục Quân đội
Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng
câu ca dao:
"Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ ngày thương binh
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 thương binh nhớ
ngày"
18 giờ ngày 27-7-1947, "Ngày thương binh toàn quốc" mở đầu
bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên, khoảng 300 người gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc,
Đoàn thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam và
chính quyền địa phương đã dự cuộc mít tinh này. Tại cuộc mít tinh các đại biểu
đã nghe ông Lê Tất Đắc công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường
trực tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc.
Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
"... Thương binh là người đã hy sinh gia đình,
hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc,
của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc,
đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...".
Cuộc mít tinh đã ghi nhận sự ra đời của
ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên 27-7-1947. Ngày thương binh đầu tiên cũng được
tổ chức ở một số tỉnh phía Nam,
đặc biệt là thành phố Sài Gòn. Tuy đang bị thực dân Pháp tạm chiếm đàn áp, khủng
bố gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình như: đến ngày đó
các cửa hàng "đằng mình" đều đóng cửa nửa ngày và cũng trong
thời gian đó không ai ra đường để biểu thị thái độ bất hợp tác với địch. Từ đấy
hàng năm đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi
người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.Từ tháng 7-1955, Ngày
thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để
ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng
vẻ vang của toàn dân tộc.
Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
quyết định lấy ngày 1 tháng 12 hàng năm làm Ngày thương binh liệt sĩ. Theo đó
ngày 1-12 hàng năm, cùng với việc cử đoàn đại biểu đến tặng quà thương binh,
bệnh binh, gia đình liệt sĩ, ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền
Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có
thư động viên, thăm hỏi và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc,
giúp đỡ thương binh.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW
ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27-7 hàng năm
chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của
cả nước.
Ngày Thương binh – Liệt sĩ không chỉ là ngày tri ân đối với
những hy sinh mất mát của chiến sĩ, của gia đình những người có công với cách mạng,
đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết muôn người như một, tinh thần nhân văn cao cả
trong truyền thống dân tộc Việt Nam, là ngày để cho thế hệ trẻ Việt Nam thấy được
truyền thống kiên cường bất khuất, thấy được những đau khổ, mất mát hy sinh của
cả dân tộc trong những cuộc trường chinh cứu nước. Đó sẽ là ngọn lửa thắp sáng
tinh thần thế hệ trẻ, làm cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau giữ vững
truyền thống uống nước nhớ nguồn, nuôi dưỡng ước mơ và tầm hồn Việt vì một Việt
Nam tương lai dân chủ, công bằng, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét