Trong những ngày tháng 7 này, toàn thể nhân dân trong cả nước tổ chức
nhiều hoạt động nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có
công với đất nước. Chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các
anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng đánh đổi
xương máu vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc. Cách
đây tròn 70 năm, vào ngày 27-7-1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” (về sau đổi
thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”) chính thức ra đời. Nhân dịp này, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh
toàn quốc”. Trong thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự
nghiệp, mồ mả đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ
con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn,
làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân
thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?
Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là
những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm
yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh
hùng ấy”.
Đó là hàng triệu người con ưu tú của đất Việt đã nghe theo tiếng
gọi thiêng của Tổ quốc tòng quân ra trận đánh đuổi bè lũ xâm lăng để
“giành lại độc lập cho dân tộc, danh dự của một quốc gia và chủ
quyền của dân tộc Việt”. Những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao cả
của các thương binh, anh hùng liệt sỹ, thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh
thần dân tộc, của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử giữ nước và
dựng nước của cha ông, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt
nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng những vết thương mà chiến tranh
để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt
sỹ vẫn còn đây. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm
lại ngoài chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần
cơ thể các anh đã để lại ngoài trận địa và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự
cô đơn, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đây nỗi đau
như tột cùng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và
cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố
cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà
anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc bởi họ đã cống hiến đời mình cho lý
tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho
bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân.
Vì thế, hàng năm với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn ”, “Ăn quả nhớ
người trồng cây” nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, Tổ quốc ghi công,
nhân dân xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các Anh hùng Liệt sĩ ngọn
nến tri ân, những vòng hoa tươi thắm, thắp nén hương thơm xin bày tỏ lòng
thành kính, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của nhân dân đối với những người con
bất tử, đã hi sinh cho Tổ quốc, chính các anh đã viết nên những trang sử hào
hùng và vẻ vang nhất cho dân tộc, máu đào của các anh đã từng nhuộm đỏ
mảnh đất thiêng liêng này, nhuộm đỏ, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, kiến
tạo màu xanh hòa bình trên mảnh đất quê hương, màu xanh của biển của
cành cây hoa lá của đất trời tổ quốc Việt Nam. Vinh quang ấy thuộc về
các anh hùng của dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét