Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành
chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được
thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam
và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8,
khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng
lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị,
Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia
Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở
Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm
nổi dậy giành chính quyền.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc
tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay
nhân dân.
Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà
Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí
Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên
bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 02-9 là Ngày Quốc khánh của
nước ta.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã khởi
xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại
hội, từ Đại hội lần thứ VII đến Đại hội lần thứ XII, Đảng luôn khẳng định tiếp
tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm
phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ Nam cho hành động của
Đảng. Đảng ta không ngừng phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từng bước củng cố và hoàn thiện đường
lối đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích
cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Qua 30 năm đổi mới, đất
nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng,
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Hệ thống chính trị và khối đại
đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an
ninh, quốc phòng được giữ vững. Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc
tế ngày càng nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không khí dân chủ
trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển.
Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu
nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý;
chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi
hỏi bức thiết của tình hình nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời
đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự
sáng tạo của nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước
ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Cách mạng Tháng Tám năm
1945 thành công, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một
quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân
ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. 72 năm
qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, cách mạng Việt
Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách
lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước phát triển. Việt Nam đã ra khỏi tình
trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và
trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều.
Trong sự nghiệp đổi mới
toàn diện đất nước, chúng ta tiếp tục vận dụng và phát huy những bài học kinh
nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh
giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một là, nắm
vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập
dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã
hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt
chẽ với nhau.
Hai là, sự
nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính nhân dân là
người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất
phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở
sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn
đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội
chủ nghĩa và của Đảng.
Ba là, không
ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn
kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh
to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Đoàn kết, đoàn
kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công.
Bốn là, kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh
quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ,
nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ
ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.
Năm là, sự
lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách
mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ
nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao
bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết
các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng
phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống
những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến
chất của cán bộ, đảng viên.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn
đấu xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), thực hiện các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu thực
hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ
Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực để phát triển đất
nước nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; rút ngắn
khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao vị thế
đất nước trên trường quốc tế; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để đến giữa thế kỷ
XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc
khánh 2/9 là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay
trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách
mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 72 năm qua vào sự
nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét