Ngày 13/6/2017, Cơ quan cảnh sát
điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên
quan đến việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ
Đức) để điều tra về 2 tội danh: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo
điều 123 Bộ Luật hình sự và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều
143 Bộ Luật hình sự. Đây là việc làm theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Thứ nhất, theo quy định, khởi tố vụ án là giai đoạn tố tụng mở đầu
các hoạt động điều tra. Quyết định khởi tố vụ án hình sự là hình thức văn bản
tố tụng, nhằm để xác định sự việc xảy ra trong thực tế có hay không có dấu hiệu
của tội phạm để từ đó ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ
án. Việc khởi tố vụ án không đồng nghĩa với việc sẽ khởi tố bị can. Cơ quan
điều tra chỉ khởi tố bị can khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện
hành vi phạm tội. Trong trường hợp sau khi đã khởi tố vụ án nhưng cơ quan điều
tra lại chưa xác định được ai đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc xác định được
nhưng không biết người đó đang ở đâu mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan
điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra cho đến khi xác định được. Nếu đã
xác định được người thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra phục hồi
điều tra, khởi tố bị can nhưng với điều kiện là thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự người thực hiện hành vi phạm tội vẫn còn. Ngoài ra nếu đã khởi tố vụ án
nhưng trong quá trình điều tra xác định không có sự việc phạm tội hay hành vi
của người bị điều tra không cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết
định đình chỉ điều tra. Và theo đúng trình tự đó, việc Cơ quan cảnh sát điều
tra Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến
việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức) để
điều tra là đúng trình tự quy định của pháp luật.
Thứ hai, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định rất rõ về quyền
tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú. Theo Điều 123, Bộ luật hình sự năm 1999,
sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật,
thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba
tháng đến hai năm”. Do đó, mọi hành vi xâm hại tới quyền tự do thân thể của
công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật. Việc bắt, giữ hoặc giam người phải
tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ có người phạm tội quả tang, người bị
truy nã, người phải chấp hành án phạt tù mới bị bắt. Vì vậy, nếu người nào tự ý
bắt, giam, giữ người trái pháp luật thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội,
xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân, do vậy sẽ bị
xử lý hình sự về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều
123, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đối với vụ việc ở Đồng
Tâm, nếu thời gian tới, cơ quan điều tra khởi tố bị can thì những người vi phạm
sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3, Điều 123 Bộ luật hình sự
nêu trên với hành vi “chống người thi hành công vụ”. Bên cạnh đó, Pháp luật
Việt Nam quy định rất rõ về chế độ tài sản và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu
tài sản, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự. Theo đó, người nào cố ý làm
hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên
thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình
sự theo quy định tại Điều 143, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm
2009. Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vừa qua có dấu hiệu tội phạm về các tội: bắt
giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản. Vì vậy, việc cơ quan điều tra
Công an Hà Nội khởi tố vụ án là có căn cứ và đúng pháp luật.
Như vậy, vấn đề khởi tố vụ án hay
không phải dựa trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì bất
kể cơ quan, tổ chức nào đều phải bị khởi tố, không có trường hợp nào là đặc
biệt và ngoại lệ. Ra quyết định khởi tố hình sự chỉ là giai đoạn đầu tiên của
quá trình tố tụng để có thể tiến hành điều tra một vụ án mà các dấu hiệu phạm
tội đã được ghi nhận. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân sẽ
được xem xét sau, căn cứ vào kết quả điều tra. Pháp luật còn quy định tình tiết
giảm nhẹ, miễn trừ hình sự và hành chính. Trên cơ sở đó căn cứ tính chất, mức
độ hành vi vi phạm để quyết định xử hay không, miễn hay không, xử nặng hay nhẹ.
Khởi tố cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự, có thể miễn hình phạt, có thể xử
nhưng cho hưởng án treo, hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam
giữ. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật là phải khởi tố điều
tra, làm rõ những vấn đề đó để đảm bảo sự công bằng và sự tôn nghiêm của pháp
luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét