1.
Xây dựng và thực hiện thống nhất trong cả nước một hệ thống chính
sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ,
người có công với cách mạng
- Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ
Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật
và tiền tuất tử sỹ” đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về
ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương
đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa
đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển
khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và
thân nhân; cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
- Nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng
như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về
chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sỹ, thương binh; chính
sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị
nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức
khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với
cách mạng được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả.
- Việc xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với
người có công đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận
khoảng 9 triệu người có công, trong đó:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày
01-01-1945: gần 9.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến
trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người.
+ Liệt sỹ: gần 1.2 triệu người; thân nhân liệt
sỹ gần 500.000 người.
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người.
+ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng
lao động: gần 1.300 người.
+ Thương binh và người hưởng chính sách như
thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người.
+ Bệnh binh: gần 185.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị
nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến
bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người.
+ Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,
bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.
- Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và
thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, cơ bản người có
công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo kết quả rà soát năm 2014 của Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát có 1.982.769
trường hợp (chiếm 95,75%) đã hưởng đủ chế độ; chỉ có 86.201 trường hợp,
chiếm 4,16% kê khai là hưởng chưa đầy đủ; 1.872 trường hợp, chiếm 0,09% hưởng
sai chính sách.
2.
Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công
với cách mạng phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương và đã
đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và
truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc
- Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích
cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương
binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công bằng những việc
làm thiết thực thông qua: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa,
vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu
cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ năm 2007 đến năm 2017, cả nước đã đóng
góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung
ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000
nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200
tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ
đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình
người có công khó khăn về nhà ở; 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị
nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, 97%
người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân
nơi cư trú.
- Bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình
chính sách, người có công với cách mạng cũng nỗ lực phấn đấu vươn
lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình nhân tố mới trong
các lĩnh vực của đời sống xã hội.
3.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công
trình tưởng niệm liệt sỹ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực
- Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong
việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nhà nước đầu tư nâng cấp các
trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh
tính hài cốt liệt sỹ.
- Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị
đã tích cực trong việc phát hiện, quy tập mộ liệt sỹ và ghi danh,
ghi công liệt sỹ.
- Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ
công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã tạo sức lan tỏa trong
các tầng lớp nhân dân.
- Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định
AND, các cơ quan chức năng đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sỹ, sinh phẩm thân
nhân liệt sỹ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp, góp phần phục vụ tích cực
cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thời gian qua.
Thời gian qua, cả nước đã tìm kiếm, quy tập
được 939.462 hài cốt liệt sỹ; an táng tại 3077 nghĩa trang trong cả
nước.
- Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng
niệm liệt sỹ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những
kết quả cụ thể.
Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt
sỹ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ.
Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục
truyền thống: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa
trang Đường 9, Đền liệt sỹ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung
phong tại ngã ba Đồng Lộc; Truông Bồn, tỉnh Nghệ An...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét