Năm 1945, Cách mạng
tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao
lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô
lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn bọn xâm lược.
Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến
quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến
trường.
Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác
Hồ, kế thừa truyền thống “Nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành
tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ, đặc biệt là những người bị
thương hoặcđã anh dũng hy sinh.
Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra
đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít
lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”.Ở Trung ương có
Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.
Chiều ngày 28/5/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội,
Tổng Hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập
Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.
Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã có một buổi quyên
góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa
đông chiến sĩ”.Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét mà Bác đang mặc để tặng
binh sĩ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày
19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng
dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị
thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên.Các đồng chí thương binh, gia đình
nhiều liệt sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn.Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà
nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt
sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách
trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Trước yêu cầu thực tế đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ
thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc
lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”.Đây
là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương
binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để chủ động công tác này
trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội
Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập.Đầu tháng 7/1947 Bác Hồ đã đồng ý
cho thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh,
Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin
tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nội dung
cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh
Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh liệt sĩ.
Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày
27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.Ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan
trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức
đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ Tịch. Trong thư Người viết:
“... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương
máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của
đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu ...”.
“... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những
người con anh dũng ấy”.
“... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho
đồng bào".
“... Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ
anh em thương binh và gia đình tử sĩ".
“... Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt
vật chất và tinh thần...”.
Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng
lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương
binh liệt sĩ được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch
cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ.
Tháng 7/1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên
Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia
đình liệt sĩ và công tác thương binh.Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh
được đổi thành ngày Thương binh liệt sĩ.
Trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu
Nhà nước, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, liệt sỹ là
những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do
cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Trong lời dặn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân
ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“... Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu
của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn,
chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để
họ có thể dần dần “tự lực, cánh sinh”.
“... Đối với các Liệt sỹ, mỗi địa phương cần phải xây dựng vườn
hoa và bia tưởng niệm để ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời
đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
“... Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ, mà thiếu
sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì
chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn
thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Là người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh sớm đã thấu hiểu và đánh giá cao những hy sinh, mất mát của
các thương binh, liệt sỹ và thân nhân gia đình của họ trong cuộc đấu tranh vì
độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngay từ năm 1946, giữa
bộn bề công việc của những ngày tháng cam go chống giặc đói, giặc dốt và giặc
ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành nhiều tình cảm cho các thương
binh, liệt sỹ. Người đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con
nuôi với một tấm lòng thành kính.
“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn
những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh của mình cho nền tự do, độc lập và thống
nhất của nước nhà, hoặc trong thờì kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng
chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó và tôi nhận con
các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”.
Có lần, cảm động trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ, khi
nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh (vào tháng 01/1947), Người
đã viết thư gửi người cha khi vừa mất đứa con yêu của mình: “Ngài biết rằng
tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của
tôi.
Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh
niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác
dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang
giống nòi.Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn
luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ
quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ
năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”
của cả nước.
Trải qua bao thăng trầm
của thời gian, câu ca dao đáng ghi nhớ mà đồng chí Lê Tất Đắc (đại diện Chính
trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) đã từng đọc trong ngày họp thống
nhất chọn 27/7 là ngày Thương binh Liệt sỹ đến giờ vẫn còn vang mãi, gửi gắm cả
tấm lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với những người đã vì đất
nước mà hy sinh, cống hiến.
“ Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ ngày thương binh.
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 thương binh nhớ ngày ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét