Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) thể hiện trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng
hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. 71 năm đã đi qua, tác
phẩm bất hủ này của Người vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa soi đường cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Sau Chiến
tranh thế giới thứ II, tình hình quốc tế có nhiều thay đổi. Để đối phó với âm
mưu của Mỹ, Liên Xô một mặt phải tập trung phát triển kinh tế, tăng cường khả
năng quốc phòng; mặt khác phải giúp đỡ các nước Đông Âu, vành đai phía Tây
trong việc củng cố chế độ dân chủ nhân dân, vì thế, vấn đề Việt Nam chưa thể
quan tâm. Trung Quốc đang trong tình trạng chấm dứt thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác
lần thứ hai (1945-1947), nội chiến bùng nổ. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tập
trung mọi lực lượng và cố gắng giành thắng lợi trong nội chiến nên chưa có điều
kiện giúp đỡ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Tình hình các nước trong khu vực
như Inđônêxia, Malaixia, Mianma... đều bị các nước thực dân Anh, Hà Lan tái chiếm.
Đặc biệt là hai nước láng giềng Lào, Campuchia cũng bị thực dân Pháp chiếm đóng
trở lại và dùng làm bàn đạp để bao vây, đánh chiếm Việt Nam. Các vùng biển phía
Đông và phía Nam đều bị hạm đội của Anh khống chế. Nhìn chung, tình hình quốc tế
trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2 có nhiều bất lợi cho Việt Nam.
Cách mạng Việt Nam ở trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, bị cô lập với thế giới
bên ngoài. Đó là thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ
Chí Minh.
Về tình hình
trong nước, Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Song Nhà nước Việt
Nam non trẻ đứng trước những thử thách hiểm nghèo: nền kinh tế vốn đã nghèo
nàn, lạc hậu lại bị Pháp, Nhật vơ vét, làm cho tiêu điều; sản xuất công nghiệp,
thủ công nghiệp vốn nhỏ bé lại đình đốn do chiến tranh tàn phá; tiếp quản nền
tài chính trống rỗng; hơn 90% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu…
Các thế lực nội
phản chống phá rất quyết liệt. Hàng chục đảng phái chính trị xuất hiện như: Đại
Việt quốc dân Đảng, Đảng Phục quốc, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt
Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) núp dưới chiêu bài "cách mạng
triệt để" gieo rắc tư tưởng hoài nghi, kích động các tầng lớp nhân dân,
phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo lợi
dụng thần quyền, sùng đạo của tín đồ để chống phá chính quyền Nhà nước Việt
Nam. Chỉ trong 20 ngày sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, theo thoả thuận tại
Hội nghị Pốtxđam (7-1945), những đội quân của các nước Đồng minh dồn dập kéo
vào nước ta. Từ đầu tháng 9-1945, gần 20 vạn quân Tưởng ồ ạt vượt qua biên giới
phía Bắc, tràn vào nước ta cho đến vĩ tuyến 16. Với âm mưu "Diệt cộng, cầm
Hồ", chúng tiến hành các hoạt động quân sự, chính trị, ra sức quấy nhiễu,
phá phách, tuyên truyền, kích động quần chúng, nhằm lật đổ Chính phủ Hồ Chí
Minh.
Âm mưu trở lại
xâm lược nước ta một lần nữa, Pháp ráo riết chuẩn bị lực lượng quân viễn chinh
và triển khai các hoạt động xâm lược. Năm 1943, Pháp đặt phái đoàn quân sự ở
Côn Minh (Trung Quốc), tổ chức Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 ở Cancútta và
Lữ đoàn cơ động Viễn Đông (BMEO) ở Mađagátxca để chuẩn bị trở lại Việt Nam. Khi
Nhật đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Đờgôn đã cử Đô đốc Đácgiăngliơ sang làm Cao
uỷ Pháp ở Đông Dương cùng một đạo quân viễn chinh lớn, với sứ mệnh đầu tiên là
khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Liên bang Đông Dương. Tướng chỉ
huy tối cao của các lực lượng quân sự tại Viễn Đông chịu trách nhiệm dưới quyền
Cao uỷ “thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền
đó". Ngày 2-9-1945, nhân dân ta ở Sài Gòn mít tinh chào mừng ngày độc lập
thì quân Pháp đã xả súng làm 47 người chết, nhiều người bị thương. Ngày
6-9-1945, khi quân Anh kéo vào giải giáp quân Nhật, quân Pháp núp sau nổ súng
đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ, mở nhà tù giải thoát cho tù binh
Pháp, lôi kéo quân Nhật vào việc chống phá Nhà nước Việt Nam.Rõ ràng, âm mưu của
Pháp trở lại xâm lược Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ.
Về phía Mỹ, từ
lâu đã có ý đồ thay chân Pháp ở Đông Dương. Khi Chiến tranh thế giới thứ II kết
thúc, quan điểm của Mỹ là: "Không trao Đông Dương cho Pháp, mà nó phải đặt
dưới sự uỷ trị quốc tế”, nhưng trước sự phát triển dâng cao của phong trào giải
phóng dân tộc trên thế giới, Mỹ đã thay đổi, mở đường cho Pháp trở lại xâm lược
Việt Nam lần thứ hai. Đến cuối tháng 9-1945, nước ta có khoảng 30 vạn quân của
các nước, trong đó có 20 vạn quân Tưởng, 6 vạn quân Nhật, 2,6 vạn quân Anh - Ấn,
gần 3 vạn quân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu
cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chưa bao giờ trên đất nước ta có
nhiều kẻ thù hung bạo và xảo quyệt như lúc này. Vận mệnh của Nhà nước Việt Nam
non trẻ "như ngàn cân treo sợi tóc!". Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ
Chí Minh cùng Đảng đã tập trung mọi nỗ lực củng cố lực lượng, xây dựng Nhà nước,
chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Về ngoại giao,
ngay sau khi tuyên bố trước thế giới nước Việt Nam độc lập, (1945), Hồ Chí Minh
đã gửi nhiều thư và điện văn đến Liên Hợp quốc, những người đứng đầu Chính phủ
Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là đến Tổng thống, Bộ trưởng Ngoai giao và
Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ nhằm kêu gọi và tranh thủ sự đồng tình, ủng
hộ nền độc lập của Việt Nam, chống lại âm mưu gây chiến của thực dân Pháp hòng
tái chiếm nước ta một lần nữa.
Về nội trị,ngày
3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người nêu 6 nhiệm vụ cấp
bách: Một là, phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói. Hai là,
mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ. Ba là, tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng
tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của
nhân dân. Bốn là, mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói
hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại. Năm là, bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế
đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Sáu là, tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương
giáo đoàn kết.
Trước tình
hình hoạt động ráo riết của các loại kẻ thù, Đảng và Nhà nước Việt Nam, đứng đầu
là Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện sách lược vừa nguyên tắc, vừa mềm dẻo. Đối với
các tổ chức, đảng phái phản động, Nhà nước ban hành các sắc lệnh: giải tán
"Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng", "Đại Việt Quốc dân Đảng",
"Việt Nam Hưng quốc thanh niên" và "Việt Nam Ái quốc thanh
niên", thiết lập các tòa án quân sự, giải thể các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền
Đông Dương. Với Pháp và Tưởng, lúc tạm hòa với Tưởng để rảnh tay đối phó với
Pháp, lúc tạm hòa với Pháp để đẩy nhanh Tưởng ra khỏi đất nước. Thực hiện sách
lược trên đã đặt các đảng phái, tổ chức phản động ra ngoài vòng pháp luật, tạo
cơ sở pháp lý cho việc trấn áp bọn phản cách mạng.
Để tăng cường
thực lực cách mạng, các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh chú trọng phát triển hội
viên, mở rộng các tổ chức đoàn thể cứu quốc. Tháng 5-1946, theo sáng kiến của Hồ
Chí Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, thu hút
các đảng phái và cá nhân yêu nước. Người chủ trương mở rộng thành phần Chính phủ,
đưa thêm các nhân sĩ, trí thức tham gia chính quyền cách mạng. Để điều hành đất
nước và để bảo đảm cho hệ thống chính quyền mới thành lập hoạt động có hiệu quả,
Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh với những quy định cụ thể. Chỉ tính từ
ngày 2-9-1945 đến 31-12-1946, đã ban hành 181 sắc lệnh để tổ chức, xây dựng, kiện
toàn chính quyền.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh phát động "Chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói", kêu gọi
nhân dân và gương mẫu thực hiện "nhường cơm sẻ áo" bằng cách "cứ
10 ngày nhịn ăn một bữa", đem gạo đó để cứu dân nghèo. Nhà nước tổ chức
các đội lạc quyên cứu đói và quy định tiết kiệm lương thực ... Kết quả là nạn
đói được đẩy lùi. Nhà nước tiến hành tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian
chia cho nông dân nghèo, chia lại ruộng đất công một cách công bằng, hợp lý và
ra Thông tư giảm tô 25% cho nông dân; mở lại các nhà máy do Nhật bỏ lại, tiến
hành khai thác mỏ, khuyến khích kinh doanh; xây dựng "Quỹ độc lập", tổ
chức "Tuần lễ vàng", phát hành tiền giấy bạc Việt Nam. Kết quả, đồng
bào cả nước đã góp được 370 kg vàng, 60 triệu đồng, từng bước xây dựng nền tài
chính độc lập. Người phát động phong trào "Đời sống mới", kêu gọi
toàn dân xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế
độ thực dân, phong kiến; phát triển phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ.
Chỉ trong một năm, ở Trung Bộ và Bắc Bộ đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết.
Hệ thống giáo dục bước đầu được xây dựng. Tiếng Việt được chính thức dùng trong
hệ thống trường học. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh cũng được quan tâm,
v.v..
Để thiết thực
xây dựng, củng cố chính quyền Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước
để bầu Quốc dân Đại hội và ấn định Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Trong hoàn
cảnh vô cùng phức tạp, bọn đế quốc, phản động ra sức quấy phá, Chính phủ kiên
quyết lãnh đạo, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nhân
dân cả nước nô nức đi bầu cử. Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều
đạt được sự tín nhiệm tuyệt đối. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao
nhất 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước
Việt Nam mới. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nhất trí tuyên bố: "Chủ tịch Hồ
Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc" và trao cho Người quyền thành lập Chính phủ
mới. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được Quốc hội thông qua do Hồ Chí Minh làm
Chủ tịch. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dựa trên những nguyên tắc: "Đoàn kết
toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các
quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân
dân".
Để chuẩn bị
cho cuộc kháng chiến trường kỳ đòi hỏi phải củng cố, tăng cường lực lượng vũ
trang (gồm ba thứ quân), tổ chức các khu quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ
cuối năm 1945 đến năm 1946, Hồ Chí Minh ký nhiều sắc lệnh liên quan đến lực lượng
vũ trang.
Sau khi chính
quyền cách mạng ở các cấp trong cả nước được thành lập, đa số cán bộ, đảng viên
tuân thủ đúng chương trình, kế hoạch và sắc lệnh của Chính phủ. Nhưng ở một số
địa phương, không ít cán bộ đã phạm vào "những lầm lỗi rất nặng nề"
như trái phép, cậy thế, quan liêu, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Để chấn chỉnh
và sửa những lỗi lầm ấy, Hồ Chí Minh đã có Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh,
huyện và làng, huấn thị rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ
từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc
chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống
trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến
dân, ta phải hết sức tránh".Người cũng tỏ thái độ dứt khoát: "Ai đã
phạm những lỗi lầm trên này thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa
thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước
nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "công bình, chính trực"
vào lòng".
Trong điều kiện
hiểm nghèo và gấp rút, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị
sáng suốt, vững vàng về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, "vững tay chèo,
đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở", xây dựng
và phát triển thực lực, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến
lâu dài.
Đối với Pháp,
Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đàm phán, như ký Hiệp định sơ
bộ 6-3-1946 để cho 15.000 quân Pháp vào thay thế quân Tưởng ở miền Bắc. Theo Hiệp
định, sau 5 năm, số quân này sẽ rút hết về nước, Pháp thừa nhận Việt Nam là một
nước tự do. Nhưng thực dân Pháp không thực hiện, mà lấn dần từng bước và lập ra
"nước Nam Kỳ tự trị", ở Nam Bộ không có đình chiến. Vì thiết tha với
hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp Tạm ước
14-9-1946, nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa, đồng
thời trì hoãn thời gian khởi chiến và tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng.
Điều đó thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được, biểu thị nguyện vọng
thiết tha với hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Từ giữa năm
1946, thực dân Pháp trắng trợn xóa bỏ các hiệp ước đã ký kết, nghiêm trọng hơn
là chúng mở rộng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đổ bộ hàng nghìn quân vào Đà Nẵng.
Ngày 18-12-1946, chúng gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ Thủ đô, thực
chất là chúng đã trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.
Sáng ngày
19-12-1946, Hồ Chí Minh gửi thư riêng cho Xanhtơny, Uỷ viên Cộng hoà Pháp ở Đông
Dương, đề nghị ông ta có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám nhằm
tìm một giải pháp để cải thiện tình hình hiện tại,nhưng bị Sanhtơny từ chối. Rõ
ràng, dã tâm của thực dân Pháp là quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc
chúng ta phải cầm vũ khí. Ngay đêm 19-12-1946, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn
quốc kháng chiến: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng
ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới;
vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Giờ cứu nước
đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải
gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định
sẽ về dân tộc ta!".
Thực hiện Lời
kêu gọi của Người, toàn quân và dân ta cả nước một lòng quyết tâm đứng lên với
tinh thần: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì
dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước".
Từ đêm ngày 23-9-1945 khi Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn đến ngày 20-7-1954
khi quân Pháp bị thất bại hoàn toàn ở Điên Biên Phủ, toàn quân và dân ta đã tiến
hành cuộc kháng chiến trường kỳ hơn 3.323 ngày đêm gian khổ, hy sinh, nhưng vô
cùng anh dũng, tự hào. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh dài ngày nhất của thực dân
Pháp. Gần nửa triệu quân xâm lược nhà nghề của Pháp đã bị tiêu diệt, 2.688 tỷ
phrăng và hơn 2 tỷ 600 triệu USD viện trợ bị tiêu phí vào cuộc chiến tranh phi
nghĩa; 20 lần Chính phủ Pháp bị đổ; 7 lần Toàn quyền Pháp bị triệu hồi; 8 Tổng
Chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau bị thua trận. Cuối cùng, thực dân Pháp buộc
phải chấp nhận thất bại trước sức mạnh "toàn quốc kháng chiến" của
nhân dân Việt Nam, phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam.
Cuộc kháng chiến
chống Pháp của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa đi tiên phong trong cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc trên thế giới mà khởi đầu là "Lời kêu gọi toàn quốc
kháng chiến" của Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó "đã được ghi vào lịch sử
dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi
vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống
nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc". Những kinh nghiệm mà Đảng và
nhân dân ta đúc rút được trong quá trình "Toàn quốc kháng chiến" có
giá trị vô cùng to lớn đối với kho tàng lý luận Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về ý
nghĩa lịch sử của cuộc "Toàn quốc kháng chiến" chống thực dân Pháp,
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa
nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang
của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa
bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới". Thắng lợi đó đã làm sáng
tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là một dân tộc nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ,
kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy
đủ khả năng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có đội quân nhà nghề, thiện
chiến, được trang bị hiện đại.Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là thắng
lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về "Toàn quốc kháng chiến", là thắng lợi
của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.
"Sau chín
năm chiến tranh, sức mạnh quân sự của thực dân Pháp đã bị đập tan tại Điện Biên
Phủ. Tháng 7 năm đó (1954) với việc ký kết Hội nghị Giơnevơ, các dân tộc Đông
Dương đã giành được độc lập. Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của
thắng lợi đó và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất"
như Giáo sư Mighen Đêxtêphanô, Cố vấn Viện Nghiên cứu châu Á của Cuba đánh giá.
Trong giai đoạn
hiện nay nước ta đã bước sang giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Phát huy bài học "Toàn quốc kháng chiến", toàn Đảng, toàn dân ta đang
nỗ lực thực hiện 6 nhiệm vụ trong tâm mà Đại hội XII đã chỉ ra, trong đó có nhiệm
vụ thứ tư là: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự,
an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời
cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới,
tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế".
Bài viết thật sâu sắc
Trả lờiXóa