Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường
trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh
đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm
kỳ 2023-2028.
Đại hội công đoàn các cấp
có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn
nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới. Quán triệt, cụ
thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 02-NQ/TW
ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn
Việt Nam trong tình hình mới”, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí
thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam,
các nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ đảng cùng cấp vào nghị quyết đại hội công
đoàn các cấp. Đại hội cũng là dịp để kiểm điểm vai trò lãnh đạo của tập thể ban
thường vụ, ban chấp hành công đoàn các cấp nhiệm kỳ qua và bầu ban chấp hành
công đoàn khóa mới những cán bộ tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, năng lực, uy
tín đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị
quyết đại hội đề ra.
Lợi dụng sự kiện
này, các đối tượng xấu, cơ hội chính trị liên tục đưa ra những luận điệu sai
lệch về Công đoàn Việt Nam nhằm tấn công, chống phá chế độ. Núp dưới danh nghĩa
“bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công nhân, người lao động”, chúng ra sức cổ
xúy, hô hào đòi thành lập các “nghiệp đoàn độc lập”. Luận điệu xấu, độc được những kẻ
này rêu rao là: “Các tổ chức “công đoàn” Việt Nam không phải là để đại diện
quyền lợi công nhân, mà là để theo dõi công nhân rồi đàn áp họ”. Mục đích của chúng là lợi dụng lực lượng công nhân để
chống phá chế độ, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ở Việt Nam, Công đoàn là
tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người lao động. Điều 10, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Công
đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người
lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm
lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia
quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám
sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn
đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động
người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp
luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc bảo vệ người lao
động được tổ chức công đoàn thực hiện dưới nhiều hình thức. Trước hết, công
đoàn đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc
thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây
dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế
trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; đối thoại với đơn vị sử dụng lao
động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao
động. Cùng với đó, Công đoàn Việt Nam cũng quan tâm tổ chức hoạt động tư vấn
pháp luật cho người lao động; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động
để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, thời gian gần đây,
chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc tổ chức công đoàn đã đại diện cho tập thể
người lao động khởi kiện chủ sử dụng lao động ra tòa án nhân dân khi quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm. Đơn cử như tại
Hà Nội, 175 hồ sơ công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội đã
được chuyển sang tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Ngoài ra, trong thời gian xảy
ra dịch Covid-19, chúng ta cũng chứng kiến tổ chức công đoàn ở các địa phương
đã ủng hộ, hỗ trợ, tặng quà người lao động; giám sát và hướng dẫn doanh nghiệp,
người lao động thực hiện các thủ tục để hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68
của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ…
Phải thẳng thắn nói rõ, cái gọi là tổ chức
“công đoàn độc lập” không đại diện cho quyền, lợi ích của người lao động. Dưới
sự hỗ trợ, giúp sức, “gióng trống, khua chiêng” của một số tổ chức nước ngoài,
các đối tượng xấu đang núp bóng bảo vệ người lao động để mua chuộc, dụ dỗ, lôi
kéo công nhân và người lao động tham gia các tổ chức đối lập, bất hợp pháp. Mục
tiêu của những kẻ này là thông qua các biện pháp “hòa bình”, “phi vũ trang” để
tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong xã hội nước ta. Khi có
đủ điều kiện, các tổ chức này sẽ câu kết, móc nối với các tổ chức nước ngoài để
tiến hành “đấu tranh” theo hướng cách mạng màu, cách mạng đường phố, chuyển từ
phi bạo lực sang bạo lực vũ trang.
Vì vậy, việc xuyên tạc “Các tổ chức “công đoàn” Việt Nam không phải là để đại diện
quyền lợi công nhân, mà là để theo dõi công nhân rồi đàn áp họ” là
hoàn toàn không có cơ sở; là sự vu khống của các thế lực thù địch. Chúng ta hãy
cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc,
phủ nhận của các thế lực thù địch !.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét