Lợi ích chính
đáng của một người, một nhóm là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia,
dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt
hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với
hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Tuy nhiên “Lợi
ích nhóm” và “nhóm lợi ích” xuất phát từ vụ lợi cá nhân, tham ô tài sản của Nhà
nước, lấy của chung làm của riêng. Trước nhất, nó làm cho đất nước bị tổn thất
các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh,
thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị
khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã,
khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát
triển lành mạnh và bình đẳng cho sự phát triển của đất nước.
Hậu
quả do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội
chủ nghĩa chân chính, đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư
bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự
do và dân chủ. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá
trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực
chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền chi phối quyền
lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không
còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là “chủ nghĩa
tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư bản bè cánh”,
“chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải
là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật,
một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong
đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực
để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Trong thời gian vừa
qua xảy ra nhiều vụ tham ô, tham nhũng làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước như
vụ: Trịnh Xuân thanh. Nguyễn Đăng Khoa, Phạm Huy Phước, vụ công ty dệt may Nam
Định, vụ vinashin. Bổ nhiệm cán bộ sai quy trình... Do đó các thế lực thù địch
lợi dụng vào đó âm mưa xuyên tạc chống phá đảng, nhà nước ta.
Rất đáng lưu ý là, “chủ nghĩa tư bản
thân hữu” không chỉ có trong xã hội tư bản mà ở các nước mới bắt đầu vận hành
nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó “lợi ích nhóm”, “nhóm
lợi ích”, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành
hành, khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo
đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản
lý đất nước, quản lý xã hội.
Hậu quả của “nhóm lợi ích” gây ra là sự
suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn. Việc phân hóa giàu
- nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội, hỏng văn
hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn lường, thâm sâu và lan tỏa rộng
trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức
mạnh nội sinh của dân tộc.
Hậu quả do “nhóm lợi ích” gây ra là làm
lẫn lộn thật - giả, đúng - sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối
đúng không vào được cuộc sống...; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng
cầm quyền và đối với nhà nước, tức là làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất
ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia, và từ đó các thế lực xâm lăng
từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất
độc lập, thậm chí là mất nước.
Hậu quả do “nhóm lợi ích” gây ra là chính
sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, sắp xếp
cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, chứ không phải sử dụng người có
tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt
động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động
của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã
hoặc bị “nhóm lợi ích” thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là
đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà
nước của nhân dân, mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ
đó, nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.
Do
vậy việc chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không
rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta
và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và
sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công
luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống “lợi ích
nhóm”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách, tập thể
lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong
việc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, sử dụng tất cả các biện pháp có thể, khẩn
trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực
cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công cuộc cải
cách hành chính nhằm xóa bỏ cơ chế "xin cho" những điều kiện làm nảy
sinh tham nhũng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, trong đó cần đấu tranh chống
lại xu hướng “lợi ích cục bộ”, “lợi ích nhóm”. Các cơ quan chức năng tiếp tục
tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, truy tố,
xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng
phí theo tinh thần "không có vùng cấm"; đồng thời xác minh, điều tra
làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được
phát hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét