Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn:
Chống tham nhũng “phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và
trung kiên”. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng người cầm dùi trống phải hết
sức thận trọng. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà đánh trống
tiếng một hay liên tục. Chống tham nhũng, tiêu cực cần phải thận trọng, đúng
người đúng tội. Muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết
sức kỹ càng, làm đến nơi đến chốn, không được “mang thúng úp voi”. Với tinh thần “không có giới hạn, không có
vùng cấm”, thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm đã và đang được đưa ra ánh
sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng,
vẫn có những kẻ cố tình xuyên tạc, kích động sai sự thật, hòng làm suy giảm
niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống "giặc
nội xâm".
Một số kẻ rất xảo trá khi một mặt
thường rêu rao, chỉ trích Đảng, Nhà nước ta yếu kém trong quản lý doanh nghiệp
Nhà nước nhưng ngay sau khi hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan
đến doanh nghiệp Nhà nước bị phanh phui thì họ lại lắt léo phê phán Đảng, Nhà
nước và bênh vực cho những đối tượng liên quan. Trong vụ
việc Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chỉ
đạo xử lý nghiêm thì đã xuất hiện những kẻ “lưu manh” chính trị tung ra “hỏa
mù” rằng: Hoàn toàn không có tham nhũng, chỉ là làm ăn lỗ vốn, đã có thanh tra
kết luận không có dấu hiệu của tư lợi cá nhân. Từ đó, họ rêu rao: Đảng can
thiệp quá sâu, cố “thổi phồng”, “đã chỉ đạo thì kiểu gì cũng có tội”. Tương tự,
sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ các bài báo liên quan đến
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đã xuất hiện ngay những luận điệu
như: “Mớm bóng cho dư luận bức xúc”, “sở hữu cổ phần như thế không có gì sai”,
“Đảng đã ra tay thì kẻ không có tội cũng thành có tội”. Từ đó họ cho rằng, Đảng
đã “lấn sân” chính quyền trong chống tham nhũng.
Một số thành phần cơ hội chính trị
cho rằng, trong lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước vì bị vướng bởi lợi ích nhóm nên
Đảng ta chỉ “đánh trống phát một” mà không dám “đánh trống trận”, "đánh
chuột còn sợ vỡ bình quý"...Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp
chí Cộng sản là người từng có dịp báo cáo với Tổng Bí thư vấn
đề nhân dân quan tâm vì sao không “đánh trống liên hồi”. Ông cho biết:
"Mặc dù Tổng Bí thư là người hết sức cẩn trọng, nhưng ở những thời khắc
quyết định có tính bước ngoặt thì ông luôn tỏ rõ là người hết sức bản lĩnh, mưu
lược và đầy quyết đoán. Trước khi quyết định một việc gì ông cân nhắc hết sức
kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống, xem xét kỹ mọi khía cạnh. Và khi đã quyết rồi thì
ông không bao giờ chùn bước. Riêng với vụ việc Trịnh Xuân Thanh và cựu Bộ
trưởng Vũ Huy Hoàng, “khi Tổng Bí thư đã chỉ đạo thì vụ việc là hết sức nghiêm
trọng và kết quả sẽ sớm được làm rõ. Những người có liên quan, dù đó là ai, giữ
chức vụ gì, nếu có sai phạm thì chắc chắn sẽ bị nghiêm trị”.
Thực tiễn điều tra, xác minh các vụ
việc thời gian qua đã cho thấy những ý kiến Tổng Bí thư nêu ra là hoàn toàn xác
đáng. Thực tiễn cũng đã là lời chứng minh đanh thép cho những luận điệu tiêu
cực cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh là “có bé xé ra to”, “làm trầm trọng
hóa vấn đề”. Liên quan vụ án Trịnh Xuân Thanh, ngày 15-2-2017 vừa qua, Cơ quan
Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 5 bị can, tạm giam 4 người
và cấm đi khỏi nơi cư trú một người. Những cán bộ trên đều liên quan đến các
sai phạm khiến cho hàng nghìn tỷ đồng tiền dự án của Nhà nước bị mang trả nợ và
kinh doanh bất động sản dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và nợ nần chồng
chất.
Chống tham nhũng muốn thành công,
sau hồi trống lệnh của Tổng Bí thư, còn cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, đúng như Bác Hồ từng căn dặn phải dựa vào dân. Người nói: “Làm cho
quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng
triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi
sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét