Cơ hội và
bất mãn chính trị là hiện tượng xã hội xuất hiện khá sớm trong lịch sử nhân
loại. Ở Việt Nam, trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, nhất
là ở những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử, thường xuất hiện những
phần tử cơ hội và bất mãn chính trị dưới nhiều màu sắc với những mức độ khác
nhau. Hiện nay, các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị được sự cổ vũ, hà hơi,
tiếp sức của các thế lực thù địch, chúng càng đẩy mạnh các hoạt động tuyên
truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà
nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, làm
rối loạn tư tưởng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế và sự lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu
thực hiện.
Trong tình
hình hiện nay, việc nhận diện một cách chính xác các phần tử cơ hội và bất mãn
chính trị để có biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả là vấn đề rất quan trọng
và cần thiết. Không nhận diện đúng và phân biệt rõ hiện tượng và bản chất của
chúng thì không thể có giải pháp đấu tranh đúng đắn, hiệu quả.
Nhìn nhận
một cách tổng quát ở nước ta hiện nay, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của
Đảng đã chỉ ra, cũng đã có những biểu hiện của cơ hội và bất mãn chính trị. Cơ
hội và bất mãn chính trị là những người có quan điểm, thái độ chính trị thiếu
nhất quán, không kiên định, vững vàng; khi cách mạng phát triển thuận lợi thì
tỏ ra tích cực, hăng hái; khi cách mạng gặp khó khăn thì dao động, thoái chí,
thỏa hiệp, thậm chí phản bội, đầu hàng, quay lại chống phá cách mạng. Những
phần tử này thường núp dưới danh nghĩa đổi mới, cải cách, dân chủ, nhân quyền
để mưu đồ lợi ích riêng, chống phá cách mạng, xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Cơ hội
chính trị và bất mãn chính trị là những khái niệm biểu hiện tư tưởng chính trị
khác nhau, đều nguy hại, song chúng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau, cơ hội
chính trị mang trong mình cả yếu tố bất mãn chính trị; bất mãn chính trị có thể
chuyển hóa thành cơ hội chính trị. Các phần tử này đều câu kết với các thế lực
thù địch, hoặc các thế lực thù địch tìm mọi cách lôi kéo, hỗ trợ, tiếp sức và
câu kết với chúng, trở thành kẻ phản bội, phản động, đứng hẳn về phía đối lập,
chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Sự chống phá của các
phần tử cơ hội và bất mãn chính trị diễn ra trên mọi lĩnh vực, được thực hiện
một cách kiên trì, có nội dung, phương thức và lộ trình rõ ràng, ngày càng trở
nên tinh vi, xảo quyệt và hết sức nguy hiểm. Đấu tranh với các phần tử cơ hội
và bất mãn chính trị là yêu cầu khách quan, thường xuyên, là vấn đề cấp bách
hiện nay, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, sinh mệnh của Đảng,
nhằm phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và các hoạt động chống đối của
các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội
chủ nghĩa, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, phản động của các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị, cần
dựa trên cơ sở khoa học xác đáng, với những luận điểm đúng đắn, luận cứ rõ
ràng, luận chứng sắc bén, có tính thuyết phục cao, không nên đấu tranh theo
kiểu “hàng tôm, hàng cá”. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện
thông tin truyền thông, nhất là internet và mạng xã hội; kiểm soát, tổ chức tốt
việc thu hồi các tài liệu, ấn phẩm mà các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị
phát tán với âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng,
chính sách, pháp luật Nhà nước, kích động nhân dân, đặc biệt là kích động đồng
bào các dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các phần
tử cơ hội và bất mãn chính trị có những biểu hiện đa dạng và phức tạp; mức độ
ảnh hưởng và tác hại của các dạng cơ hội, bất mãn chính trị khác nhau là có sự
khác nhau. Vì vậy, trong đấu tranh với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị,
với từng đối tượng cụ thể, cần thực hiện những giải pháp thiết thực, phù hợp
mang lại hiệu quả cao nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét