Trong công cuộc đổi mới,
xây dựng và phát triển đất nước, Đảng cầm quyền và mỗi cán bộ, đảng viên luôn
phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới mà nếu không đủ bản lĩnh, ý chí
và nghị lực cũng không dễ vượt qua. Sự ham muốn bản năng về vật chất, địa vị và
quyền lực cùng những tác động, cám dỗ khác có thể đẩy con người tới những
nhận thức và hành vi xấu, có hại cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Với tinh
thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 4, khóa XI và
khóa XII đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong
đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ
cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó thật sự là
thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó cũng
là điều kiện, là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động
“diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng xóa bỏ sự
lãnh đạo của Đảng và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để ngăn chặn,
đẩy lùi tình trạng đó cần nhận diện rõ hơn sự suy thoái của bộ phận cán bộ,
đảng viên, xác định rõ hơn nguyên nhân và đề ra những giải pháp đồng bộ và
mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền
phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động
và của dân tộc Việt Nam. Đảng là một thực thể, một tổ chức gồm những đảng viên
đã được rèn luyện, thử thách, được giáo dục và đào tạo phấn đấu cho lý tưởng và
mục tiêu cao cả của cách mạng, của đất nước và dân tộc. Để cho Đảng thật sự
mạnh mẽ, trong sạch, kinh nghiệm của lịch sử Đảng ta cho thấy cần chú trọng xây
dựng tổ chức đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên theo những nguyên tắc, yêu
cầu và chuẩn mực nghiêm ngặt của Đảng. Phải luôn luôn ghi nhớ điều Bác Hồ đặt
lên hàng đầu về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. “Đảng không phải là một
tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm
cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Để Đảng thật sự trong sạch, vững
mạnh, phòng, chống được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải chú trọng
những vấn đề cơ bản và bức thiết hiện nay.
Một là, đề cao lý tưởng, mục tiêu cách mạng, nắm vững
ngọn cờ tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý
luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng. Xây dựng Đảng bao giờ cũng bắt đầu từ trang bị lý luận, hệ tư
tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Đảng không có lý luận cũng giống như
người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam, giống như người nhắm mắt mà
đi. Lý luận trang bị cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn quy luật khách
quan và phương pháp luận khoa học để hành động tự giác, hợp quy luật trong lãnh
đạo, quản lý.
Hai là, không ngừng bổ sung, phát triển, bảo đảm tính khoa học, hiện
thực của Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị, chú trọng bảo vệ
chính trị nội bộ. Trong tình hình hiện nay, phải rất coi trọng việc nâng cao
bản lĩnh chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản
lý. Bản lĩnh chính trị là tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích quốc gia, dân
tộc. Bản lĩnh chính trị là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, bình
tĩnh, chủ động đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức; sáng suốt
trong nhận định, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế, không bị lôi kéo, kích
động; thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng và hệ thống chính
trị, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng cũng không hoang
mang, bi quan, chán nản hay mất niềm tin vào chính mình.
Ba là, chú trọng giáo dục,
rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ
lãnh đạo, quản lý. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống
của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần đến những chủ trương, giải pháp hành động
mạnh mẽ, đồng bộ. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong
Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng
viên. Phải bắt đầu “tu thân”, phải học làm người rồi mới làm cán bộ như Bác Hồ
đã dạy.
Bốn là, giữ gìn, củng cố
đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa
phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”. Đoàn kết, thống nhất vừa là truyền thống quý
báu của Đảng, vừa là nguyên tắc xây dựng Đảng và yêu cầu bức thiết để tăng
cường sức chiến đấu của Đảng. Đó cũng là hạt nhân để đoàn kết toàn dân, đoàn
kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong
Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình như Bác Hồ đã căn dặn. V.I. Lê-nin cho
rằng, nếu Đảng không đoàn kết, dẫn đến chia rẽ, phe phái thì sẽ sụp đổ. Người
nhấn mạnh: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của
bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm
mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”.
Sự phá hoại của thế lực thù địch bên
ngoài là một thực tế cần hết sức cảnh giác. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn là sự
tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ. Đó là đòn đánh từ trong ra bởi những phần
tử hư hỏng, hủ bại làm suy yếu Đảng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”. Một trong những nhiệm vụ bức thiết hiện nay là ngăn chặn và đẩy
lùi suy thoái, tự bảo vệ để hoàn thành vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm
quyền của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét