“Vết chân tròn vẫn đi về
trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn
đến trường làng
Vẫn
ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...”.
Lời bài hát vang lên trong căn nhà
nhỏ, nối với trục đường chính bằng cây cầu bắc ngang con kênh chảy qua trước
nhà, căn nhà điển hình của miền Tây sông nước. Hàng
ngày, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đi qua
cây cầu đó trên chiếc xe 3 bánh tự chế để đến trường. Cô vẫn nói đùa mình như “anh
thương binh”
nhưng thay vì ôm đàn, nữ giáo viên “ôm chữ” đến lớp học để mang cho tụi nhỏ kiến
thức.
Đã tròn 10 năm sau vụ
tai nạn giao thông, cô Tâm không đầu hàng số phận, vẫn bền bỉ với những bước
chân tròn trên nạng gỗ đến trường dạy các em thơ. “Đứng trên bục giảng là
ao ước lớn nhất trong đời” cô
Tâm đã tâm sự.
Một ngày cuối tháng
8/2009, Minh Tâm khi ấy mới 23 tuổi, đang trên đường đi vận động học sinh đến
trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng), nơi thuộc vùng sâu
vùng xa của tỉnh, thì bất ngờ gặp tai nạn xảy ra. Chiếc ôtô chở vật liệu xây
dựng lên được nửa cầu, bị tuột dốc, lao thẳng vào cô, bánh sau xe tải cán lên
chân. Cô gái tỉnh dậy tại bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM, với cơ thể không còn
lành lặn...
Thỉnh thoảng lật giở
những bức hình cũ từ nhiều năm trước, một cô gái tròn 20 tuổi với đôi chân
thon dài, Minh Tâm vẫn mỉm cười nhưng không còn quá nuối tiếc về một hình ảnh
đẹp của bản thân ngày xưa. Cú sốc lớn ở độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết
khiến cô suy sụp hoàn toàn. Nhưng bằng tình yêu thương của má Bảy, chị Hai
và đám học trò nhỏ, Tâm dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống. “Nghĩ
lại cũng thấy may mắn, dù có chán nản đến đâu, mình cũng chưa bao giờ sống tiêu
cực”, nữ giáo viên nói.
Chiếc chân giả nặng 2
kg trở thành người bạn đồng hành của cô suốt 10 năm nay. Nó giúp cô có thể đi
lại không cần sự trợ giúp của nạng gỗ và hơn cả là mang đến cho người phụ nữ
vẻ bề ngoài như chưa từng xảy ra vụ tai nạn thương tâm ngày ấy. Chiếc chân
giả giúp cô Tâm đi lại thuận tiện hơn: “Không nói thì nhiều
người không biết mình là người khuyết tật”. Cô Tâm trở lại với nghề
giáo sau những ngày tháng tập luyện vất vả, chiếc xe ba bánh tự chế giúp cô đi
lại dễ dàng hơn. Ra
viện, vì vấn đề sức khỏe, cô được chuyển đến làm công việc văn phòng tại
trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh). Mỗi ngày nhìn đồng nghiệp đứng trên
bục giảng, đám học sinh nô đùa vui vẻ, ước mơ của cô sinh viên sư phạm
Toán thuở nào đã thôi thúc khiến cô mạnh dạn xin được đứng lớp.
Những e ngại, dè dặt
ban đầu của nhiều người dần bị cô giáo trẻ chinh phục. Cô tập đi bằng chân giả,
nạng gỗ. Những bài giảng luôn hấp dẫn, cuốn hút học sinh, những tiết học
luôn rộn vang tiếng cười. “Những thiên thần áo
trắng” là động lực để cô Tâm
ngày ngày đến trường. 4h30 sáng, tiếng chuông đồng hồ báo
thức vang lên, cô Tâm thức giấc. Gian phòng bên cạnh, má Bảy vẫn chìm trong
giấc ngủ. Bên ngoài, trời bắt đầu le lói những ánh sáng đầu tiên. Nhẹ nhàng
đánh răng, rửa mặt rồi mở cửa ra ngoài, cô di chuyển đến phòng tập gym cách
nhà 2 km. Với ý trí bền bỉ, cô đã luyện tập được hơn 2 năm. 24
giờ một ngày với cô Tâm chưa bao giờ là đủ. Thức dậy từ 4h30 sáng tập gym, sau
đó đến trường, dạy miễn phí cho học sinh, đi làm từ thiện công việc cuốn cô
miệt mài hết ngày này qua ngày khác. Cô bảo công việc dồn dập nhiều khi khiến
mình quên đi bản thân là người khuyết tật, chỉ khi tối về tháo chiếc chân giả
ra, cô mới cảm thấy đau nhức. Nhưng những mệt mỏi đó theo cô chỉ là chút thử
thách mà ông trời mang đến. “Nghịch cảnh không phải
bất hạnh mà là món quà cuộc sống ban tặng”, câu
khuyết danh mà cô Tâm nhớ mãi. Với người giáo viên ấy, có gặp khó khăn mới biết
bản thân mình có thể chống chọi đến mức nào, có thể mạnh mẽ đến mức nào, cô
vẫn tự nhủ với bản thân như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét