Ngày 6/11/2021 vừa qua, tuyến đường sắt Cát
Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành, khai thác thương mại giai đoạn 1 và theo
thống kê của ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà
Nội (Hanoi
Metro), sau một tuần vận hành
đầu tiên (từ ngày 6/11 đến 13/11) đã chở được 165.824 lượt hành khách. Những
con số đó đã chứng minh nhu cầu đi lại rất bức thiết của người dân Hà Nội nói
chung, nhất là những người có nhu cầu đi lại trên tuyến đường thuộc loại đông
đúc nhất Thủ đô, bởi đường sắt trên cao đi vào hoạt động sẽ đánh dấu bước phát
triển của vận tải hành khách công cộng, góp phần quan trọng giúp người dân đi
lại nhanh chóng, thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, khác hẳn với đại đa số người dân
rất mong tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoạt động, thì một số đối tượng cơ
hội chính trị, phần tử phản động lại ra sức xuyên tạc, cố tình dẫn dắt, lôi kéo
dư luận khoét sâu vào những bất cập trong quá trình thi công, chậm giải phóng
mặt bằng, và đội vốn…Ra sức kêu gọi “tẩy chay”, vận động người dân không sử
dụng tàu điện này với lý do: Là đường sắt “Tàu”, công nghệ “Tàu"; đó là
công trình điển hình về tham nhũng và chậm tiến độ; vu cáo rằng “các nhà lãnh đạo
Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội thông đồng với nhà thầu Trung Quốc
tham nhũng rất nhiều từ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông”... Thiết nghĩ, những
luận điệu chống phá như trên để nhằm mục đích gì, có lợi cho ai và gây thiệt
hại cho ai thì đã rõ. Có những kẻ ra sức kêu gọi, chỉ mong người dân không sử
dụng tuyến đường sắt đó, để rồi lại có cớ rêu rao, phủ nhận hiệu quả của một
chủ trương đúng, từ đó cho rằng việc quyết định làm tuyến đường này không phải
vì sự đi lại thuận lợi của nhân dân, vì tiến bộ và văn minh đô thị mà vì… lợi
ích nhóm, hay sâu xa hơn là chúng hướng tới mục đích là gây mất lòng tin của
nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thẳng thắn nhìn nhận thì phải khẳng định chủ
trương xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là hoàn toàn đúng, phù hợp với
nhu cầu phát triển của Hà Nội, tuy nhiên trong quá trình lần đầu tiên triển
khai thực hiện dự án đường sắt trên cao sẽ không tránh khỏi có nhiều thiếu sót
do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn đến dự án chậm tiến độ gần 6 năm
và đội vốn hơn gấp đôi so với dự toán ban đầu. Điều này đã được Kiểm toán Nhà
nước kết luận rõ ràng và Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội đã công khai
giải trình từng vấn đề mà báo chí và nhân dân có ý kiến, nêu trách nhiệm cụ thể
đối với từng thiếu sót. Nếu công dân không đồng tình với những kết luận, giải
trình đó, có bằng chứng về những sai phạm thì hoàn toàn có thể đề nghị, thậm
chí tố cáo để các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, làm rõ theo đúng quy
định của pháp luật. Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích nhân dân phát huy vai
trò giám sát và chủ động tố giác khi phát hiện những sai phạm, chứ không hề cấm
đoán việc này; nếu có sai phạm thì Đảng, Nhà nước sẽ xử lý nghiêm như thực tiễn
đã chứng minh.
Xét trên bình diện thế giới, ở bất kỳ quốc
gia nào, luật pháp có vai trò bảo vệ mọi người để không thể có chuyện tùy tiện
suy diễn, quy chụp, vu cáo người nào đó tham nhũng trong khi không có bằng
chứng gì chứ chưa cần phải nói đến chính quyền Nhà nước. Đòi hỏi mỗi cá nhân,
tổ chức khi xem xét bất kỳ sự việc gì cũng phải tuân thủ nguyên tắc khách quan,
toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển, chứ không thể phiến diện, thành kiến,
chủ quan, “vơ đũa cả nắm”, áp đặt ác ý, gây tổn hại danh dự, xâm phạm quyền và
lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có một
bộ phận a dua, hùa theo bởi sự đi lại thuận lợi của nhân dân phần nào làm giảm
thu nhập, đời sống của họ. Đó là bản chất của vấn đề mà mọi người cần tỉnh táo
nhận rõ để có thái độ, ứng xử đúng đắn, không mắc phải những mưu đồ đen tối gây
tổn hại cho nhân dân, đất nước và phụ công sức, sự nỗ lực của bao người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét