Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

NVI39 - ĐỔI TÊN BAN CHỈ ĐẠO VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

 

Theo quan điểm của Đảng ta, tham nhũng chính là trở lực lớn đối với sự nghiệp CNH, HĐH, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Đồng thời, đó cũng chính là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nhận thức rõ nguy cơ và tác hại của vấn nạn này, cho nên phòng và đấu tranh chống tham nhũng luôn là một vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Trong những năm qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo tiến hành một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một buổi tiếp xúc cử tri đã phát biểu: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được”.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa biến chất và không có bất kỳ "vùng cấm" nào, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp cao, thậm chí là Uỷ viên Bộ Chính trị cũng đã không tránh khỏi việc phải đối mặt và chịu trách nhiệm những sai phạm mà cá nhân gây ra.

Ngày 10.9.2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị lấy ý kiến về đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng”. Qua hội nghị, Bộ Chính trị đã thống nhất đổi tên cũ “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đảng ta nhận thức rằng nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm vừa qua là do công tác phòng chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, việc sửa đổi tên gọi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để tổ chức chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sự thay đổi này ngay lập tức bị các thế lực thù địch, các phần tử phản động lợi dụng để tìm cách chống phá, xuyên tạc bằng những luận điệu cơ hội, xét lại. Một là, chúng cho rằng việc đặt tên này là sai, sai từ “gốc rễ” nên sẽ không giải quyết được vấn đề gì: “Tiêu cực là hệ quả của tham nhũng chứ không phải nguồn gốc của tham nhũng. Đặt vấn đề sai, gốc rễ sai thì không thể giải quyết được” (!?). Hai là, chúng cho rằng tham nhũng có nguyên nhân gốc rễ, là “do chế độ”, nên muốn chống tham nhũng phải thay đổi chế độ chứ không chỉ đổi tên (!?).

Gần đây trên trang Baotiengdan còn có đăng tải bài viết: “Đổi tên để làm gì” của đối tượng Nguyễn Đình Cống đã bình luận và đưa ra cái nhìn phiến diện, tiêu cực về việc đổi tên cũng như công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Bằng những lời lẽ lươn lẹo y cho rằng đổi tên chỉ là “vẽ rắn thêm chân”, “bảo vệ những thứ đã lỗi thời”, “duy trì chế độ độc quyền toàn trị”... Đây là những lời lẽ thiếu khách quan, phiến diện về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Việt Nam. Bởi vì:

Thứ nhất, Việc thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Về đối tượng phòng, chống tiêu cực, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Về phạm vi của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực. Trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Việc đổi tên Ban Chỉ đạo lần này để mở rộng thêm phạm vi, quyền hạn chính là bước tiến mới mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn từ gốc những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa từ xa các hành vi tham nhũng.

Thứ hai, tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Do đó, công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. "Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống".

Thực tế, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân cơ bản là do thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là phù hợp với đặc điểm, yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Cần thấy rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...