“Trồng người” là
việc “đại sự quốc gia” nên xây dựng đội ngũ “người trồng” xứng đáng chính là
vấn đề “then chốt” nhất của chiến lược giáo dục quốc gia. Không phải vô tình mà
triết gia và đại thi hào Ấn Độ R. Tagore lại đúc kết: Đầu tư vào một người đàn
ông, ta được một công dân tốt; đầu tư vào một người phụ nữ, ta được một gia
đình tốt; đầu tư vào một nhà giáo, ta được một thế hệ tốt. Với tầm nhìn của nhà
hoạch định chính sách, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn một số biện pháp nhằm xây dựng ở
nước ta đội ngũ giáo viên “đủ tâm, đủ tầm”.
Trước hết, các
trường sư phạm - “địa chỉ” đào tạo các nhà giáo tương lai, phải thực sự là một
môi trường kiểu mẫu về học thuật, đạo đức và kỹ năng sư phạm. Môi trường giáo
dục là môi trường văn hóa nên các nhà trường phải chú trọng xây dựng văn hóa
học đường; các thầy cô phải “thật thà đoàn kết” và tích cực tương trợ, học hỏi
lẫn nhau để cùng tiến bộ. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải thực hành dân
chủ trong quản lý giáo dục. Người nói rõ: “Có
công việc gì, ban phụ trách trường bàn bạc với anh em, làm cho tư tưởng mọi
người thông suốt, động viên mọi người cùng làm, chứ không nên ban phụ trách
định kế hoạch rồi bắt mọi người làm”. Thực tế cho thấy, phải phát huy dân
chủ thì mới phát huy được năng lực sáng tạo và nhiệt huyết của đội ngũ giáo
viên; nếu ngược lại thì giáo viên sẽ chán nản, u uất và trở thành “máy nói”,
“thợ cày” theo định mức giao khoán của cấp trên. Khi thi đua là nét đặc thù của
lao động xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các nhà trường “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi
đua dạy tốt và học tốt”, phải thường xuyên tôn vinh các điển hình xứng
đáng, những sáng kiến hay để “vườn hoa” sư phạm ngày càng ngát hương.
Để đội ngũ “kỹ sư
tâm hồn” toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” thì Đảng, Chính
phủ và toàn xã hội phải thực sự quan tâm và chăm lo mọi mặt cho giáo viên. Mặc
dù luôn yêu cầu đội ngũ giáo viên phải có tinh thần “tiên ưu hậu lạc” nhưng Hồ
Chí Minh cũng hiểu rằng, giáo viên không phải thánh nhân, họ cũng có nhu cầu cá
nhân và có gia đình nhỏ cần nuôi dưỡng. Vì thế, Người đã nhắc nhở: “Khi nào nền
tài chính dồi dào, chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ
tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc”. Trong
Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, sinh
viên nhân dịp bắt đầu vào năm học mới (tháng 10/1968) - tác phẩm được xem là
“Di chúc dành riêng cho ngành giáo dục”, Người cũng căn dặn: “Các ngành, các
cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa, phải chăm sóc
nhà trường về mọi mặt”.
Trong lịch sử của
dân tộc“vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như Việt Nam, tất yếu có nhiều người thầy
được lưu danh sử sách nhưng chỉ có Hồ Chí Minh đã đưa đội ngũ giáo viên lên một
địa vị chưa từng có - người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa giáo dục./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét