Để đạt được mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành
một nước phát triển có thu nhập cao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng đề ra, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phải
đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Vì vậy,
để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt
ra, thì phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo.
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, giáo dục đào tạo có vị trí, vai trò và ý
nghĩa hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ
nghĩa xã hội, cần có những con người xã hội chủ nghĩa, mà muốn có những con
người xã hội chủ nghĩa thì cần phải có giáo dục”. Và theo Người, vấn đề then
chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và
cán bộ quản lý giáo dục.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn đánh giá đúng và đề cao vai trò của người thầy với xã hội. Người
nhấn mạnh: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp
phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt,
người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng
trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là
những người anh hùng vô danh”. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy
giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được.
Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về
nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. Vì vậy, theo Người không có giáo dục, không
có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Bởi vì, các thầy giáo, cô
giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người
chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá
cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn
hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng
lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Thầy, cô giáo là
người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho
nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn
thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Người thầy là yếu tố quyết
định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Để
làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy
giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”. Muốn làm được điều đó,
trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và “cần xây dựng
tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đó là những người yêu
nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không
ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, với tinh thần
cách mạng “tiên ưu hậu lạc”. Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa
Mác – Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, nhằm nâng cao
chất lượng dạy và học, để xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
văn hóa”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm
tốt được công việc của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi
thì người đó là dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết
chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để
nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học
lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi
dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm
gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu
thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi
theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất
niềm tin cả một lớp người. Do đó, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và
học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã
hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo
và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội
ích nước lợi dân”. Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành
nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.
Kế thừa và
phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp
giáo dục - đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con
người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý
giáo dục. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giáo dục
- đào tạo trong sự nghiệp cách mạng.
Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo
là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đề
ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ
quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm chuẩn hóa đội ngũ
nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời có cơ chế kiên
quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực,
không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản
lý nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Đặc biệt, Văn kiện đại hội lần
thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục
và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách
để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và
công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.
Để thực hiện
được mục tiêu đã đề ra, bản thân ngành giáo dục cần đặc biệt coi trọng vấn đề
xây dựng đội ngũ giáo viên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp như: thực hiện chương trình
bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy; mở nhiều lớp bồi dưỡng
phương pháp dạy học tích cực cho cán bộ, giáo viên ở các cấp học; các trường
học thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc
nhở tinh thần trách nhiệm của giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy
đã kích thích tính năng động, sáng tạo của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức…
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
tiến tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo
phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu
cầu trong giai đoạn mới.
Trước những
đòi hỏi của công cuộc đổi mới đang đặt ra,
hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ
chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về
giáo dục và đào tạo, để xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn
hóa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét