Thực hiện Chương trình
làm việc toàn khóa, từ ngày 03/10/2022 đến ngày 09/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ sáu để xem xét thảo
luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số
vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng.
Trung
ương đã xem xét nội dung về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với hoạt động của hệ thống chính trị. Trung ương thống nhất cao cho rằng, đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong 15 năm triển
khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã
đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật là: Công tác tổng kết lý luận và thực
tiễn được chú trọng, tăng cường, đã góp phần tích cực cho việc kế thừa, bổ
sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng và hoàn thiện luật pháp, chính
sách của Nhà nước. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội, ngày càng
sát hợp, hiệu lực, hiệu quả hơn. Cơ chế họp Lãnh đạo chủ chốt hằng tháng đã trở
thành nền nếp, rất có hiệu quả, góp phần làm cho sự lãnh đạo của Đảng tập
trung, thống nhất, thông suốt hơn.
Việc
lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội chính, chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp
làm Trưởng Ban; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp
tỉnh; ban hành và sát sao chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, chủ trương, đường
lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối
ngoại và đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn
diện,... đã góp phần tích cực cho việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực,
hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu quan trọng đã đạt được vẫn còn không
ít những hạn chế, yếu kém; tình hình đất nước, khu vực và quốc tế đã, đang và
sẽ có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu,
nhiệm vụ mới, cao và phức tạp hơn. Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển
khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X, Hội nghị Trung ương lần này đã
nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo
của Đảng trong tình hình mới.
Trong
đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo
đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản
lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Theo
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với
hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các
cấp uỷ, tổ chức đảng, gắn với thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương,
đường lối của Đảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn
thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bảo đảm
thực hiện đúng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ".
Trong
quá trình này, cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc
biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp,
phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người
đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo
đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải
hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật
của Đảng.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh
đạo của Đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần
thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm; vấn đề
đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác
nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc
để quá chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự,
an toàn xã hội; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt
trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi
cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp
với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của
từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.
Trên
cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong
tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ
cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất
lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị
quyết của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới,
nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò,
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời, đẩy mạnh cải cách
hành chính; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc
của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa