Thành công trong điều hành chính sách
tiền tệ năm 2022 đã đóng góp tích cực vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc
đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Bước sang năm 2023 với dự báo có nhiều
khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều hành chính
sách tiền tệ linh hoạt, thích ứng với những khó khăn, biến động nhằm hoàn thành
tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Năm 2022 là một năm đặc
biệt khi bối cảnh thế giới có thể được tóm gọn trong hai chữ “bất định”. Tình
hình chính trị thế giới phức tạp, đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - U-crai-na
bùng nổ và leo thang. Kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể chỉ sau một năm phục
hồi ấn tượng từ đại dịch COVID-19, trong đó nhiều nền kinh tế lớn trên thế
giới, vốn là động lực quan trọng trong kinh tế và thương mại toàn cầu đứng
trước nguy cơ khủng hoảng. Lạm phát toàn cầu tăng cao nhất trong 40 năm trở lại
đây. Hơn 80 quốc gia phải chống chọi với lạm phát cao kỷ lục hai con số khi giá
cả nhiều hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu tăng mạnh. Để đối phó với
lạm phát, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã phải chuyển trọng tâm điều
hành chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt thông qua quyết liệt tăng
các loại lãi suất điều hành nhanh hơn và với cường độ mạnh hơn. Đồng đô-la Mỹ
tăng giá mạnh trên thị trường thế giới kéo theo hiện tượng đảo chiều dòng vốn
đầu tư khỏi các thị trường mới nổi và đang phát triển, gây áp lực mất giá đối
với nhiều đồng tiền quốc gia, buộc ngân hàng trung ương của các nước này phải
sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp, bình ổn thị trường. Với một quốc gia có
độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, môi trường quốc tế thay đổi nhanh, biến động
mạnh trong năm 2022 đặt ra nhiều thách thức chưa từng có trong điều hành kinh
tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái
Bình Dương bước vào năm 2022 với độ trễ nhất định trong phục hồi và phát triển
kinh tế so với các quốc gia phát triển phương Tây. Năm 2021, trong khi các quốc
gia phát triển cơ bản khống chế được dịch bệnh và tiến hành mở cửa nền kinh tế
thì ở nước ta, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tác động
tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân. Đến năm 2022, khi dịch
bệnh trong nước cơ bản được khống chế, nền kinh tế bước đầu phục hồi thì lại
phải đối mặt ngay với tình hình thế giới biến động theo chiều hướng không thuận
lợi. Một mặt, triển vọng phục hồi kinh tế trong nước bị tác động
khi kinh tế thế giới, bao gồm cả hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm tốc dưới ảnh hưởng của các điều kiện tài
chính toàn cầu trở nên thắt chặt hơn; mặt khác, giá nhiều hàng hóa
nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng mạnh, trong đó đặc biệt quan trọng là giá
dầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá
xăng trong nước. Xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt, không có hàng hóa thay thế và
là đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh nên ngoài tác động trực
tiếp, giá xăng, dầu trong nước tăng còn tác động gián tiếp thông qua tăng chi
phí sản xuất và cuối cùng là giá thành của các dịch vụ, hàng hóa khác, gây áp lực
lớn tới lạm phát tổng thể. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thế giới tăng và USD
tăng giá mạnh cũng gây ra nhiều áp lực tới điều hành lãi suất, tỷ giá trong
nước, cộng hưởng với tâm lý tiêu cực của thị trường và nhà đầu tư trước những
sai phạm trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng gây ra
nhiều khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Năm 2022 đi qua với nhiều
kết quả đáng ghi nhận, nhưng những khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới
cũng như nội tại nền kinh tế vẫn còn hiện hữu. Dự báo năm 2023 tiếp tục là một
năm khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách
tiền tệ nói riêng. Trên thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhiều
ngân hàng trung ương dự kiến vẫn duy trì lãi suất ở mức cao hết năm 2023 để
tiếp tục đưa lạm phát về mức mục tiêu, giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là
giá dầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh trước các thay đổi trong chính
sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và sự mở cửa trở lại của nền
kinh tế Trung Quốc. Trong nước, một lần nữa bài toán về lựa chọn chính sách lại
xuất hiện khi tăng trưởng kinh tế dự kiến bị ảnh hưởng từ cầu thế giới suy yếu
trong khi áp lực lạm phát tăng cao ngay từ đầu năm. Để thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát
lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, Ngân hàng Nhà nước cần
tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ, kiên định, bản lĩnh, chủ
động trong điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới
và trong nước, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:
Một là, trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết
số 68/2022/QH15, ngày 10-11-2022, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế
giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính
sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh
tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, ổn định kinh tế vĩ
mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại
hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành
lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và
mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với
diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng
trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là
các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất
lượng tín dụng.
Hai là, theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát trong nước, xây dựng
các kịch bản điều hành và phản ứng chính sách phù hợp với diễn biến thị trường
trong nước và ngoài nước. Nếu như áp lực lạm phát tại thời điểm đầu năm 2022
không lớn nên Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian chính sách hơn trong việc
hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì ngay từ đầu năm 2023, áp lực lạm phát đã tích tụ
và tăng cao, rất sát với mục tiêu cả năm 2023. Hơn nữa, chính sách tiền tệ có
độ trễ nhất định nên nếu chủ quan và để áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng
vượt khỏi tầm kiểm soát thì sẽ dẫn đến yêu cầu chính sách tiền tệ phải thắt
chặt nhanh và mạnh hơn cần thiết, gây ra hiện tượng điều hành “giật cục” và tác
động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Thực tế
cho thấy, khi đánh giá thấp áp lực lạm phát thì ngay cả ngân hàng trung ương
lớn như FED cũng phải đánh đổi bằng việc tăng lãi suất liên tục trong cả năm
2022, dự kiến duy trì mức cao trong suốt năm 2023 để kiểm soát lạm phát và đẩy
kinh tế Mỹ vào nguy cơ trì trệ trong tương lai.
Ba là, tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô khác để
hướng tới thực hiện cân đối các mục tiêu chung. Việc chỉ sử dụng chính sách
tiền tệ để đạt được đa mục tiêu là điều bất khả thi nên cần có sự phối hợp, hỗ
trợ từ các chính sách kinh tế vĩ mô. Nói đơn cử như kết quả lạm phát năm 2022
không thể chỉ đến từ việc điều tiết tiền tệ phù hợp của Ngân hàng Nhà nước, mà
đó là kết quả của sự phối hợp có hiệu quả nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, như
chính sách tài khóa thông qua giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế bảo
vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách điều hành giá các mặt hàng thiết yếu
do Nhà nước quản lý, như điện, nước, y tế, giáo dục;… Sự phối hợp rõ ràng, nhịp
nhàng sẽ giúp giảm áp lực tới mỗi chính sách cụ thể, phân bổ nguồn lực nhà nước
hiệu quả hơn và phát huy được thế mạnh của từng chính sách tới từng lĩnh vực cụ
thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét