Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được Đảng ta xác định là mô hình kinh tế
tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đường lối, quan điểm, chính sách phát triển kinh tế thị trường
định hướng XHCN là sự kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận của Đảng Cộng
sản Việt Nam, có tính khái quát cao, là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của
toàn dân tộc, vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh
ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta về phát triển đất nước nhanh và
bền vững. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó cũng như
những thành tựu Việt Nam đã đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, các thế lực thù
địch vẫn không ngừng tuyên truyền những luận điểm sai trái, xuyên tạc bác bỏ
kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi cần tỉnh
táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái về vấn
đề này.
Hiện đang xuất hiện một số luận điểm tập trung chứng minh: khi
xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế nghĩa là
Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng TBCN,
định hướng XHCN chỉ là mị dân, hình thức. Đây hoàn toàn là ý kiến
xuyên tạc, bịa đặt. Có thể thấy, trong thời kỳ quá độ, Đảng và Nhà nước Việt
Nam chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành
phần kinh tế, phù hợp trình độ không đồng đều của lực lượng
sản xuất, nhằm huy động tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, mọi giai
tầng xã hội vào phát triển kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững,
tốc độ tăng trưởng cao. Qua hơn
35
năm đổi mới “kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ
trọng từ 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỷ
lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%,… góp phần quan trọng
trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh,
tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước,
tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”. Đại hội
XIII của Đảng đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của khu
vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 đến 65%.
Tuy nhiên, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng không
đồng nghĩa với việc chúng ta “tư nhân hóa” nền kinh tế quốc dân, phát triển
kinh tế theo con đường tư bản chủ nghĩa. Bản thân kinh tế tư nhân
ở Việt Nam cũng được định hướng hoạt động và phát triển phù hợp chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của Đảng và Nhà nước chứ
không phải phát triển một cách tự phát. Những luận điệu
phê phán, phủ nhận, xuyên tạc bản chất của mô hình kinh tế thị trường định
hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay của các thế lực thù địch đều nhằm
hướng đến một đích đến duy nhất là làm chệch hướng XHCN trong phát
triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
nước ta. Do đó, cần hết sức tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai lầm, phi lý và vô căn cứ này; tiếp tục giữ vững niềm tin
vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét