Trong khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng,
Nhà nước ta được nhân dân đồng tình và quốc tế ca ngợi thì các thế lực phản động,
thù địch lại lợi dụng để tuyên truyền nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và Nhà nước
ta, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị
đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng
xã hội tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Một trong những luận điệu đơn cử như: xuyên tạc rằng chống
tham nhũng là “đấu đá”, là “thanh trừng nội bộ”.
Thời gian qua, trên không gian mạng đã xuất hiện những
bài viết xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà
nước ta, trong đó, có luận điệu “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu đá,
thanh trừng nội bộ”. Gần như mỗi khi trong nước có sự kiện chính trị gì thì các
trang mạng phản động như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, Dân làm báo, RFA, BBC... lại
tìm mọi cách tung những luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin, sự thật và tầm
quan trọng của vấn đề này. Đáng chú ý là các trang mạng này dẫn lại những bình
luận mang tính võ đoán, xuyên tạc, bịa đặt, những thông tin được “thêu dệt” bởi
những thế lực phản động, như: Nguyễn Tường Thụy, Lã Việt Dũng, Lê Công Định...
Chúng xuyên tạc rằng, “chống tham nhũng thực chất là đấu đá, thanh trừng nội bộ,
phe phái”, là “ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người
thuộc phe ông ấy”.
Không chỉ vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở cấp Trung ương, các
thế lực thù địch còn vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở các địa phương, dựng lên cái gọi
là “cuộc chiến chiếm lĩnh quyền thống trị”. Chúng còn bịa ra những lực lượng,
cá nhân được hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự bịa
đặt này cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng
tin của nhân dân với Đảng.
Trước đây, chúng hay công kích nước ta yếu kém trong
phòng, chống tham nhũng, thờ ơ, bao che hành vi tham nhũng, nhưng giờ đây, khi
công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta đang vào giai đoạn nóng bỏng, nạn tham
nhũng dần được đẩy lùi, thì chúng lại xuyên tạc nhiều hơn.
Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại
nào cũng nhằm mục đích giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế, lành mạnh xã
hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với nhà nước. Thế nhưng,
các thế lực thù địch, phản động đứng dưới mác là “nhà báo độc lập”, “nhà dân chủ”
cố tình xuyên tạc mục tiêu, động cơ của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Với
những luận điệu xuyên tạc, họ đã quy chụp, đánh tráo khái niệm để lôi kéo, dẫn
dắt dư luận chống đối. Mục đích của bọn chúng là chia rẽ nội bộ Đảng, làm suy yếu
sức mạnh của Đảng và giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta, thực hiện
các mưu đồ chính trị như phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà
nước ta; phủ định giá trị lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng; xuyên tạc,
bóp méo các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; hạ bệ,
bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thực tế chống tham nhũng nước ta thời gian qua có phải là
“thanh trừng nội bộ”? Những kẻ tham nhũng bị xét xử đều là những quan chức vì
lòng tham, đã tìm mọi cách đục khoét của công, cuối cùng đều phải cúi đầu nhận
tội, “tâm phục, khẩu phục” và thừa nhận rằng pháp luật Việt Nam đã xử đúng người,
đúng tội. Khi cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta càng đi vào chiều sâu, diễn
ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, các cơ quan thi hành pháp luật càng đưa ra
ánh sáng những vụ án tham nhũng lớn, xét xử những cán bộ cao cấp ở trong bộ máy
nhà nước thì nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ và hệ thống chính trị nước ta càng
ổn định.
Chúng ta phải cảnh giác với các âm mưu phản động, phải nhận
thức rõ rằng, đây không phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” mà là một trong những
biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để
cho Đảng trong sạch hơn, bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Đó cũng chính
là thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững
và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét