"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân
giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức
mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính
sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Định hướng phát triển đất nước những năm tiếp theo về
dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân
và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm
"dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt
Nam" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
khẳng định: "Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là
động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền
lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng
Việt Nam". Làm rõ, hoàn thiện lý luận, thể chế hóa, phát huy phương
châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
trong thực tiễn đời sống xã hội vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi hiện
nay.
1. Quan điểm của các nhà kinh điển chủ
nghĩa Mác - Lênin về mục tiêu cách mạng vô sản là phục vụ lợi ích của quần
chúng nhân dân có giá trị khoa học, thực tiễn, là nền tảng phương pháp luận
trong xây dựng nền dân chủ XHCN. Theo đó, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà
nước và giữ vai trò quyết định sự tồn tại của nhà nước, được thể hiện ra như là
“một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân”[1]; nhà nước dân chủ thực sự là nhà nước
“ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân
dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân
dân”[2]. Xã hội hướng tới sự bình đẳng của mọi
công dân trước pháp luật, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quan
điểm đó tạo ra sự thay đổi có tính chất cách mạng trong nhận thức về dân chủ,
có giá trị lý luận, thực tiễn hình thành dân chủ XHCN.
Hình ảnh tại lễ tuyên
dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào
toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc năm 2020.
Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng
vai trò, vị trí, lực lượng, sức mạnh to lớn của nhân dân, là một trong những
nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định
“Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “bao nhiêu lợi ích đều
vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”. Người nhấn mạnh: “Nước ta là một
nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[3] ; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức
là nhân dân là chủ”[4]. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn
từ nhân dân, do nhân dân, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân, thừa hành ý chí,
nguyện vọng của nhân dân. Đây là tư tưởng nền tảng mà Đảng ta hướng tới, đồng
thời là cách thức thực hiện mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Thực tiễn nhiều năm thực hiện cơ chế quản lý tập
trung bao cấp trước thời kỳ đổi mới, do hoàn cảnh lịch sử của thời kỳ đó, quyền
làm chủ của nhân dân chưa thực sự được phát huy, việc huy động sự đóng góp và sức
dân vẫn còn nặng nề, mệnh lệnh hành chính. Xuất phát từ thực tiễn đó,
trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ V của Đảng (1981 - 1986), Đảng ta đã đề ra chủ
trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đây là một trong những nội
dung đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng.
Ngày 28/11/1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã ban hành Chỉ thị số
53-CT/TW “Về tăng cường công tác quần chúng của Đảng”, trong đó nhấn mạnh: “Phải
thực sự tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thực hiện tốt khẩu
hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong sản xuất, phân phối cũng
như trong tất cả các công tác quan hệ trực tiếp đến quần chúng”. Có thể nói, lần
đầu tiên, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đảng ta
chính thức đề ra, trở thành một chủ trương lớn, một phương châm hành động cụ thể.
Tiếp đó, ngày 18/02/1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân
chủ ở cơ sở”, trong đó nhấn mạnh: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là
phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của
nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”. Nội dung chính của Chỉ thị xoay
quanh 04 khâu liên quan đến dân chủ: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra”. Ngày 28/3/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị số
10-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ
sở” theo nội dung của phương châm căn bản trên. Trong Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011), Đại hội XII xác định
bản chất “Nhân dân làm chủ”, “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của
dân, do dân, vì dân” là 02 trong 08 đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt
Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, căn cứ vào tình hình thực tiễn
và quan điểm mở rộng dân chủ, Đảng ta đã bổ sung 02 khâu trong phương châm:
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[5].
Như vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, "dân thụ hưởng” vào
nội dung phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là sự
phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ[6]. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa
thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động
lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát
triển đất nước giai đoạn tiếp theo. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải
luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng,
tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương
châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Vậy nội hàm của phương châm trên là gì? Phải chăng là những điều cơ
bản, khái quát sau đây:
“Dân biết” là nhân dân hiểu và nắm rõ được
chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống nhân dân,
vận mệnh đất nước, dân tộc. Nhân dân nắm, biết để bàn bạc, đóng góp ý kiến, hoạch
định, góp phần bảo đảm khi được ban hành, thực hiện trong đời sống, đem lại kết
quả tốt. Nhân dân biết, nắm rõ, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách,
pháp luật, tạo cơ sở để thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết tổ chức, thực
hiện đạt kết quả cao trong cuộc sống. Nhân dân hiểu rõ mục đích cuối của chủ
trương, chính sách, pháp luật là phục vụ lợi ích của chính nhân dân, thành quả
của chủ trương, chính sách, pháp luật mang lại do nhân dân thụ hưởng, tạo ra xã
hội trật tự, kỷ cương, an toàn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Để
nhân dân “biết” phải sử dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết
phục.
“Dân bàn” là nhân dân được thảo luận, bàn bạc,
ý kiến, góp ý với Đảng và Nhà nước, để việc hoạch định, thực hiện chủ trương,
đường lối, chính sách, pháp luật được thực hiện một cách chính xác, phù hợp, hiệu
quả. Nhân dân bàn bạc, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực
hiện có hiệu quả vào thực tiễn công việc, mang lại lợi ích cho nhân dân, đất nước.
Khi nhân dân góp ý kiến đúng, xác đáng phải trân trọng, tiếp thu, hoàn thiện
cho tốt hơn; khi nhân dân góp ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp phải giải
thích, tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân hiểu, nắm rõ chủ trương, chính
sách, pháp luật và những lợi ích đem lại. Để nhân dân “bàn” phải có cơ chế,
cách thức tổ chức phù hợp.
“Dân làm” là nhân dân làm việc, thực hiện,
hành động chủ trương, nghị chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo
hiệu quả. Nhân dân thực hiện tinh thần làm chủ, vai trò chủ thể thực hiện, triển
khai hoạt động, công việc với cách thức, phương pháp, phương tiện, lực lượng thực
hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, việc làm vào đời sống đạt hiệu
quả. Trong quá trình đó, cán bộ, đảng viên trước hết làm tốt vai trò là một
công dân, với tinh thần là hạt nhân, đi đầu trong tổ chức, triển khai, thực hiện.
“Dân kiểm tra” là việc nhân dân xem
xét, đánh giá thực tế thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật,
việc làm, qua đó phát hiện những sai lệch, thiếu sót, đề xuất, ngăn chặn, xử
lý, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đạt mục
tiêu đề ra. Mặt khác, qua kiểm tra để khuyến khích, biểu dương những việc làm tốt,
mô hình hay. Nhân dân kiểm tra bằng cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện
gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện dân cử, nhất là dân chủ ở cơ sở. Để
nhân dân kiểm tra được cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp.
“Dân giám sát” là nhân dân theo dõi,
xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối,
chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Nhân
dân theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối,
chủ trương, chính sách, pháp luật không. Giám sát bằng hình thức, phương pháp cụ
thể, thường xuyên, theo nội dung công việc, trực tiếp, hoặc gián tiếp.
“Dân thụ hưởng” là nhân dân được nhận, thụ hưởng
thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần mà
các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá trình tổ
chức, thực hiện. Nhân dân thụ hưởng lợi ích, giá trị dẫn tới xã hội có trật tự,
kỷ cương, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; đồng thời nhân dân thấy được mục
đích, động lực thực sự, cuối cùng của chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng,
Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện đều vì con người, vì nhân dân, lan toả giá
trị tiến bộ, nhân văn, phẩm giá con người, bản chất chất của chế độ xã hội.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát” vào phương châm để
tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường,
phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của nhân dân. Nội dung “dân thụ hưởng” trong
thực tế đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong suốt 35 năm đổi
mới đất nước, nhân dân đã thụ hưởng tất cả những thành quả của cách mạng, của sự
nghiệp đổi mới mang lại. Tuy nhiên, việc bổ sung nội dung “dân thụ hưởng” vào
phương châm nhằm khẳng vai trò làm chủ, chủ thể nhân dân và đích cuối cùng của
mọi chủ trương, chính sách, pháp luật là vì lợi ích của nhân dân, đúng với tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, đồng thời thể
hiện rõ thực tiễn, mục tiêu, con đường đi lên CNXH, dân chủ - nhân dân làm chủ
là vấn đề cơ bản, là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực
của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét