Với việc phê
chuẩn UNCLOS, Việt Nam biểu thị quyết tâm cao cùng cộng đồng quốc tế xây dựng
một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.
Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động thể hiện vai trò tích cực và
có trách nhiệm đối với UNCLOS. Theo đó, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục
tiêu của UNCLOS; kêu gọi thúc đẩy hơn nữa nhận thức và thực thi Công ước; khẳng
định giá trị phổ quát, nhất quán, toàn diện của UNCLOS và xem đây là văn kiện
quan trọng trong quản trị biển và đại dương. Trong bối cảnh tranh chấp chủ
quyền biển, đảo trên thế giới nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng diễn biến
phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Việt Nam luôn kiên trì quan điểm:
tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và
pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp
quốc tế. Điều này được Việt Nam thể hiện trong các phiên thảo luận chung cấp
cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 74, 76, 77). Tại các phiên thảo luận,
Việt Nam kêu gọi các bên giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ
sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về
Luật biển 1982; kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc
tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực thi đầy đủ Tuyên bố
về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử
ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh đó,
Việt Nam cũng khẳng định: trải qua 40 năm, UNCLOS - “Hiến pháp của đại dương”
đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong quản trị biển và đại dương;
làm rõ hơn quy chế các vùng biển theo UNCLOS; là cơ sở để các quốc gia thực
hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, trong đó có việc bảo tồn và sử
dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển. Nền tảng cơ bản để “bảo tồn và sử dụng
bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển” là tôn trọng và thực thi đầy đủ
UNCLOS; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển, trong đó
có quyền thực hiện các hoạt động kinh tế biển bình thường theo UNCLOS, thúc đẩy
giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Là quốc gia khởi
xướng và sáng lập nhóm Bạn bè UNCLOS (hiện có hơn 100 thành viên), Việt Nam
luôn cam kết tuân thủ và đề cao UNCLOS, cùng nhóm Bạn bè UNCLOS đóng góp tích
cực đối với việc quản trị đại dương, bảo tồn và khai thác biển bền vững, tăng
cường hiểu biết về UNCLOS, từ đó hỗ trợ “bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại
dương và tài nguyên biển”, đáp ứng sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, Việt Nam chủ động tham gia và đóng góp tích cực, thực chất trong
các cuộc đàm phán điều ước quốc tế, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc
cũng như các tuyên bố liên quan tới việc thực thi UNCLOS và bảo vệ môi trường biển:
đàm phán văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng
bền vững đa dạng sinh học biển; Hiệp định về trợ cấp thủy sản, Nghị quyết của
Đại hội đồng Liên hợp quốc về Đại dương và Luật biển, về nghề cá bền vững, v.v.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, cơ chế quốc
tế về biển và đại dương; gia nhập một số điều ước quốc tế để thực thi UNCLOS và
thực hiện bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển, như: Hiệp
định năm 1994 về thực hiện phần XI của UNCLOS, Hiệp định thực thi các quy định
của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa, Ủy ban Nghề cá
Tây Trung Thái Bình Dương, Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông
Á, v.v.
Với nhận thức
sâu sắc rằng, phân định rõ ràng ranh giới biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho
việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, qua đó
góp phần thực hiện “Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên
biển”, trên cơ sở các quy định của UNCLOS, đến nay, Việt Nam đã tiến hành đàm
phán và ký 04 hiệp định phân định biển với các nước: Campuchia, Indonesia, Thái
Lan và Trung Quốc, hiện đang tiếp tục đàm phán phân định vùng biển chồng lấn
còn lại. Việt Nam cũng nỗ lực tham gia xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác quốc tế
về nghề cá, nghiên cứu khoa học biển, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và sử dụng
bền vững biển ở nhiều cấp khác nhau với các nước láng giềng và các đối tác phát
triển, nhằm “Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển”2.
Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về
biển, như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Ba Lan,… để tăng cường
trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hỗ trợ trang thiết bị, xúc tiến các dự án hợp
tác trong lĩnh vực biển, đảo, cùng với cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo tồn, sử
dụng bền vững biển và đại dương.
Sau khi trở thành thành viên chính thức, Việt Nam đã ban hành nhiều văn
bản pháp lý cụ thể hóa các quy định của Công ước trên các lĩnh vực: biên giới
lãnh thổ, hàng hải, thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường biển và hải đảo,...
làm cơ sở để thực hiện các nội dung của Công ước cũng như “Bảo tồn và sử dụng
bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển”. Trên cơ sở điều kiện địa lý, khí
hậu, thủy văn và đặc trưng của kinh tế biển, khai thác thủy sản (đánh bắt cá
thủ công quy mô nhỏ), Việt Nam đưa ra các chính sách phù hợp, hành động mạnh
mẽ, quyết đoán, thể hiện sự quyết tâm cao trong việc phát triển kinh tế gắn với
bảo vệ môi trường nói chung và “Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và
tài nguyên biển” nói riêng, là tiền đề vừa triển khai việc thực thi UNCLOS và
“Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển” một cách đồng
bộ, hiệu quả và toàn diện, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.
Đặc biệt,
năm 2012, Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013)
trên cơ sở các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế. Đây là văn kiện
pháp lý quan trọng, quy định nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy
chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm
lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam;
hợp tác quốc tế về biển; các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, bảo vệ tài
nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển;
tuần tra kiểm soát trên biển. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp
lý nhằm thực hiện các nghĩa vụ trong UNCLOS, tăng cường bảo vệ môi trường biển,
ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững nhằm thực hiện
“Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển” cho phát triển
bền vững4. Việc ban hành hệ thống pháp luật là nền tảng, cơ sở quan
trọng, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý các vùng biển của Việt Nam
được xác định theo UNCLOS, bảo vệ và sử dụng bền vững môi trường, tài nguyên
biển, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, qua đó góp phần thực
thi UNCLOS và “Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển”.
Trải qua 40 năm,
UNCLOS vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời đại. UNCLOS đã cung cấp một
khung pháp lý toàn diện giúp quản lý các hoạt động trên biển, quy định nghĩa vụ
và trách nhiệm của các quốc gia trong việc gìn giữ, bảo tồn và bảo vệ môi
trường biển. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng, thiết yếu trong thực hiện các
mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhất là về bảo tồn và sử dụng
bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển toàn diện, hiệu quả và
thực chất; đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia trong việc giảm thiểu các
tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường biển và đại
dương. Đối với Việt Nam - quốc gia ven biển, với chiều dài bờ biển ôm trọn đất
liền, biển không chỉ là nguồn sống, mà còn là “không gian sinh tồn”, phát triển
cho đời đời các thế hệ mai sau thì đẩy mạnh thực thi UNCLOS sẽ góp phần quan
trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững biển và đại dương trên phạm vi
quốc gia, khu vực và thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét